Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Đồng Nai phối hợp với Sở ngành, chủ đầu tư chợ đầu mối Dầu Giây và đại diện các siêu thị tổ chức nhiều chuyến khảo sát thực tế tại các vùng trồng trái cây an toàn VietGAP nhằm tìm nguồn nông sản sạch đưa về chợ đầu mối Dầu Giây sắp chính thức đi vào hoạt động…
Lễ ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch
Theo Sở Công thương Đồng Nai, đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản đầu tiên của tỉnh Đồng Nai mà của cả khu vực miền Đông Nam bộ. Chợ có tổng vốn đầu tư khoảng 1 ngàn tỷ đồng, chia làm nhiều giai đoạn. Khi hoàn thành, chợ sẽ được đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản, khu trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm, khu chiếu xạ... không chỉ đáp ứng tốt thị trường nội địa mà còn là cầu nối đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Khuyến khích sản xuất sạch
Đồng Nai hiện có nhiều trang trại, HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ sản xuất theo quy trình an toàn nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Theo quy định, nông sản vào chợ đầu mối phải truy xuất được nguồn gốc để người tiêu dùng khi cần sẽ có thể biết được đầy đủ thông tin về sản phẩm mình mua.
Ông Lê Ngọc Tích, Phó GĐ Trung tâm XTTM Đồng Nai, cho hay: “Chúng tôi đã trực tiếp đến làm việc với các huyện, thị để xem các HTX, trang trại, tổ hợp tác, nhà vườn để hỗ trợ họ các thủ tục chứng nhận an toàn cho từng loại sản phẩm có thể đưa vào chợ đầu mối”.
Theo ông Tích, có nhiều HTX diện tích sản xuất vẫn còn rất nhỏ lẻ manh mún, các hộ dân chưa liên kết được với nhau khiến đầu ra sản phẩm chủ yếu bán lẻ, giá cả bấp bênh. Có một số đơn vị đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng lại không duy trì được chất lượng sản phẩm nên mất thương hiệu.
Ông Nguyễn Hồng Long, GĐ Cty TNHH MTV Proton (TP.HCM), đơn vị hợp tác với chủ đầu tư khai thác kinh doanh chợ đầu mối Dầu Giây cũng cho biết, qua khảo sát, nhiều HTX đều khẳng định những quy trình sản xuất để được chứng nhận an toàn không khó, thực tế lâu nay họ đều đã làm. Proton cũng đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ở các thị trường khó tính nên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn trong sản xuất và là cầu nối trong xuất khẩu.
Nhiều người đến tìm hiểu thông tin về chợ đầu mối
“Những HTX, trang trại có mẫu đất, nước, sản phẩm đi xét nghiệm an toàn, công ty sẽ hỗ trợ làm bộ nhận dạng thương hiệu, logo, danh thiếp, website, mã vạch để đưa sản phẩm về chợ đầu mối. Các thông tin về sản phẩm từ khâu chọn giống, chăm sóc và nơi sản xuất đều cập nhật đầy đủ nên người tiêu dùng khi muốn biết nguồn gốc có thể dùng điện thoại chụp lại mã vạch là truy xuất được nguồn gốc” - ông Long nói.
Tích cực chuyển đổi
Khi được biết thông tin nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc mới đủ điều kiện vào chợ đầu mối Dầu Giây, nhiều HTX, chủ trang trại, nhà vườn ở Đồng Nai rất ủng hộ.
Ông Phùng Thanh Tâm, GĐ HTX Nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) phấn khởi: “Lần đầu tiên ở tỉnh Đồng Nai có chợ đầu mối nông sản lớn, bà con chúng tôi rất vui vì sẽ tạo cơ hội giao thương buôn bán sản phẩm nông sản với khắp nơi. Khó khăn nhất từ trước đến nay sản phẩm VietGAP của nông dân làm ra vẫn chưa có kênh tiêu thụ được như ý. Nay có chợ đầu mối thì sẽ kết nối cung cầu dễ dàng hơn”.
Theo ông Tâm, để chuẩn bị nguồn hàng vào chợ đầu mối, HTX đã tổ chức liên kết với nông dân ở các Tổ hợp tác (với diện tích khoảng trên 100ha) nhằm có được sản lượng lớn cung ứng vào chợ đầu mối Dầu Giây.
Khách hàng đến tham quan sản phẩm và mua nông sản sạch
GĐ HTX nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, chợ đầu mối nằm ngay trên địa bàn huyện Thống Nhất, là cơ hội rất lớn trong tiêu thụ các loại rau, quả của địa phương. Gia Kiệm có nhiều vùng chuyên canh rau, củ, quả… HTX đang kết nối với nông dân, tổ chức hợp tác sản xuất rau an toàn. Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất đạt chuẩn an toàn nhằm mục tiêu trong năm 2017, các vùng chuyên canh sẽ được cấp chứng nhận VietGAP để kịp đưa hàng hóa vào chợ đầu mối.
Nhìn nhận được tiềm năng đầu ra sản phẩm nông sản sạch, ông Lê Công Thành, GĐ HTX Trúc Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn rau sạch các loại. Rau của HTX nhiều năm qua sản xuất theo quy trình sạch và có đầy đủ chứng nhận nhưng vẫn phải bán trôi nổi vì không có đơn vị nào ký hợp đồng tiêu thụ. HTX đang liên kết để chuẩn đưa rau sạch vào chợ đầu mối”. Theo ông Thành, nếu có đầu ra ổn định, HTX có thể mở rộng diện tích, nâng sản lượng cung ứng lên hơn 10 tấn rau ăn lá/ngày.
Những sản phẩm rau an toàn VietGAP được trưng bày tại chợ
Trao đổi với NNVN, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Nai cho biết: “Có 2 mức độ yêu cầu với nông sản đủ tiêu chuẩn vào chợ đầu mối Dầu Giây gồm: sản phẩm đạt chuẩn an toàn và sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Tùy vào điều kiện mà nông dân lựa chọn, nhưng nếu tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ cần tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ ghi chép quá trình sản xuất, sản phẩm kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn. Nếu làm sản phẩm để XK thì mới cần đầu tư làm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP”.
Theo ông Trần Anh Dũng, GĐ Marketing Công ty TNHH một thành viên Proton, công ty không chỉ dừng lại ở việc liên kết với chủ đầu tư khai thác hết công năng của chợ đầu mối với thị trường trong nước mà còn dự tính XK sang nhiều nước. Công ty đã có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ cho một số chợ đầu mối trong nước hoạt động hiệu quả và đưa được không ít đơn vị xuất khẩu nông sản nên đã có sẵn khách hàng và thị trường.
|