Xác định kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành “một động lực quan trọng” của nền kinh tế đất nước, nhưng để khối kinh tế này phát triển theo đúng quỹ đạo mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đề ra thì còn rất nhiều điều cần bàn. Một trong những vướng mắc lớn nhất để KTTN phát triển chính là những rào cản về tiếp cận vốn, đất đai, các nguồn lực khác cũng như tiếp cận nền hành chính công.
Khó tiếp cận nguồn lực
Kể câu chuyện trần ai khi làm các thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư SX, ông Đỗ Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Kim An, xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội), không giấu được nét mệt mỏi trên khuôn mặt. Ông Cường cho hay, ngân hàng đòi hỏi hết thủ tục này đến thủ tục khác, đến khi hoàn thành và dẫn cán bộ đi xác minh tài sản thế chấp là đất đai, ông mới vỡ lẽ rằng tài sản không đủ điều kiện thế chấp .
“Sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cần số vốn khá lớn, nhưng HTX không thể vay vốn ngân hàng, do đó thiếu vốn để đầu tư. Chúng tôi không dám đòi hỏi được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chỉ cần lãi suất bình thường đã mừng lắm rồi. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn ngân hàng quá phức tạp, thậm chí “làm khó” người vay. Những người làm nông nghiệp tài sản không lớn, lợi nhuận không nhiều, trong khi luôn gánh chịu các rủi ro, rất cần được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện vay vốn. Nhưng đất đai thì đi thuê nên không thể vay được”, ông nói.
Dù đầu óc sáng tạo, ý chí làm giàu, nhưng các DN thuộc khối KTTN lại thiếu 2 thứ cơ bản: Vốn và quỹ đất để mở rộng SX. Đất dành cho KTTN thường hạn chế, giá cao, trong khi rất nhiều Cty, DN Nhà nước đất rộng mênh mông dùng không hết…
Bà Phan Ngọc Minh, TGĐ Cty TNHH Nhật Minh, cho biết, khó vay vốn là một chuyện, muốn đầu tư mở rộng SX trong khi không có mặt bằng lại là một chuyện khốn khổ hơn. Vào các khu, cụm CN thì giá thuê cao, trong khi đó, thuê đất trong khu dân cư thì lo lắng về ô nhiễm môi trường, về hạ tầng, điện, nước… Vì thế, có muốn phát huy hết năng lực SX nhưng lực bất tòng tâm.
“Tôi đã đi tham quan, học hỏi mô hình SXKD ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, thấy rằng lãi suất ngân hàng không đáng kể, thậm chí các sản phẩm mới sẽ được Nhà nước đầu tư 50% kinh phí. Để KTTN phát triển, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thuế, đất đai, vốn cho các ngành cơ bản của nền công nghiệp như cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ...”, bà Minh nói.
TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho biết: Kết quả khảo sát hơn 8.000 DN tư nhân đang hoạt động tại VN trong năm qua cho thấy các DN tư nhân đang bị nhiều hạn chế khi tiếp cận các nguồn lực như tiếp cận thông tin rất khó khăn.
Các DN tham gia thị trường cần có nguồn thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời để tiến hành hoạt động SXKD nhưng hiện nhiều DN cho biết, rất khó tiếp cận. Khoảng 75% các DN thuộc khu vực KTTN cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, thậm chí với các DN quy mô lớn, tỉ lệ này lên tới 79%.
KTTN cũng khó tiếp cận các nguồn vốn. Kết quả PCI 2015 cho thấy trong số các DN trả lời khảo sát, tỷ lệ các DN vừa và nhỏ có khoản vay từ ngân hàng là thấp hơn đáng kể so với DN quy mô lớn. Trung bình chỉ có 40% số DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Con số này ở DN nhỏ là 62%, 74% số DN vừa và lên tới 81% đối với các DN quy mô lớn.
20 năm không lớn nổi
Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ tâm sự của nhiều DN tư nhân khi gửi tâm thư đến VCCI, đó là họ cảm thấy bị coi nhẹ, thậm chí bị gạt ra khỏi guồng quay của nền kinh tế. “Nhiều DN nói rằng họ cảm thấy cô đơn trên chính đất nước của mình, vì các DN tư nhân Việt Nam vẫn loay hoay chưa thể kết nối thành công vào những chuỗi SX”, ông Tuấn cho hay.
Sau 20 năm, Đảng đã soạn thảo nhiều nghị quyết, Quốc hội đã ba lần ban hành Luật Doanh nghiệp, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã ban hành và thực thi hàng loạt nghị quyết, chương trình hành động. Việt Nam từ 25.000 DN hoạt động chính thức tăng lên hơn 600.000 DN hiện nay và đang đặt ra mục tiêu có được 1 triệu DN đến năm 2020. Các hộ kinh doanh, từ con số 800.000 hộ theo thống kê năm 1997 đã tăng lên hơn 3,5 triệu hộ hiện nay.
|
Một trong những nguyên nhân, theo lý giải của ông Tuấn, là quy mô DN thuộc khối KTTN, sau 20 năm, vẫn không lớn thêm được bao nhiêu, cho dù số lượng DN chính thức tăng lên hơn 20 lần. “Hầu hết vẫn là DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 97% DN nhỏ và vừa theo tiêu chí chính thức, hơn 40% DN có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng (theo Tổng cục Thuế). Lo ngại hơn là theo thời gian, quy mô DN đang ngày càng nhỏ đi”, ông Tuấn dẫn chứng.
Vì quy mô quá nhỏ, thiếu mất nhóm DN cỡ vừa (hiện chỉ chiếm khoảng chưa đến 3%) góp phần tạo ra một khu vực KTTN kém cạnh tranh. Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng quy mô quá nhỏ và tính phi chính thức của khu vực kinh tế tư nhân đã cản trở việc tăng năng suất lao động nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô, cản trở quá trình ứng dụng công nghệ và tăng cường đổi mới, sáng tạo.
Cũng theo vị chuyên gia này, từ năm 1997 đến nay, những khó khăn vướng mắc của khối KTTN hầu như chưa được khắc phục. Tại hội nghị ngày 17/5 vừa qua, các ý kiến của cộng đồng DN dân doanh được gửi qua VCCI hay phản ánh trực tiếp tới Thủ tướng vẫn chủ yếu là vốn (như tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vốn quá cao); vẫn là đất đai và sự bấp bênh của quyền sử dụng đất; vẫn là vấn đề thuế và nóng bỏng hơn là những phàn nàn về tệ hành chính quan liêu. Có chăng điểm khác là không còn những giấy phép XNK cấp cho từng DN như xưa mà thôi.
Một trong những điểm nghẽn của khu vực KTTN, theo đánh giá, là bị đối xử bất bình đẳng so với các DNNN. Một số DNNN cồng kềnh, cứng nhắc, được đặc cách sử dụng nhiều nguồn lực xã hội, nắm giữ nhiều tài nguyên và độc quyền kinh doanh trong nhiều ngành quan trọng, thiết yếu thì lại thua lỗ hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, khối KTTN đóng góp GDP duy trì ổn định ở mức tăng trưởng 39 - 40%. KTTN cũng tạo việc làm cho trên 85% lao động… thì không được chú trọng.
Ba rào cản KTTN phát triển
“Thứ nhất là rào cản về môi trường chính sách. Còn nhiều định kiến về KTTN, nhất là ở cấp cơ sở, chính quyền địa phương. Thứ hai, là xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của KTTN còn thấp. Bản thân sự phát triển KTTN đang rơi vào tình trạng mất cân đối. Chỉ có 1% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tập đoàn KTTN lớn hiện nay chủ yếu phát triển từ khai thác tài nguyên và đầu tư bất động sản. Thứ ba, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các hiệp hội, MTTQ còn nhiều hạn chế.
Tất cả các nguyên nhân này cho thấy thực tế KTTN chưa thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế như Đại hội XII đã xác định”.
Ông Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương.
|