Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc
Mới đây, làm việc với tỉnh Hà Giang do ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Hà Giang cần lấy phát triển kinh tế lâm nghiệp làm trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó tiếp tục chú trọng việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với chế biến gỗ sâu và du lịch sinh thái…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Giang cần có sự quản lý thực sự bài bản, căn cơ diện tích rừng hiện có; mở rộng đối tượng thu quỹ dịch vụ môi trường rừng; cần nghiên cứu, đề xuất làm điểm tiến tới quy hoạch mở rộng mô hình trồng cây trên đá sinh thủy, nhất là các huyện vùng cao núi đá; phát triển lâm nghiệp, rừng sản xuất cần chú ý đến rừng gỗ lớn để có chuỗi giá trị dài hơn; quan tâm đến công nghiệp chế biến lâm sản…
“Hiện nay, tỉnh Hà Giang đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng bền vững đến 2020; trong đó chú trọng việc chỉ đạo các giải pháp đưa giống tốt vào trồng rừng, tập trung thâm canh rừng trồng và xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Hà Giang hiện cũng đã xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC, dự kiến tháng 8/2017 sẽ mời tổ chức quốc tế đánh giá thẩm định… Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện định hướng phát triển lâm nghiệp của Hà Giang thời gian tới”, Bộ trưởng Cường nhận định.
Về định hướng tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Giang cần chú trọng đến cây, con đặc sản, không chạy theo số lượng, sản lượng và tập trung hướng phát triển hữu cơ. Bộ trưởng đánh giá cao định hướng của tỉnh Hà Giang về việc tập trung nguồn lực phát triển 3 cây và 2 con (cây cam, chè, dược liệu và trâu bò, ong). Qua hơn 1 năm triển khai, sản lượng chè búp tươi đạt 65,52 ngàn tấn; sản lượng cam đạt 33,26 ngàn tấn; sản phẩm chăn nuôi đạt 38,77 ngàn tấn…; tuy nhiên cần phát triển sâu gắn với chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng và việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại… Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng cần rà soát và mở rộng đến mức cho phép cây cam để có thể xây dựng nhà máy chế biến; đối với cây chè và dược liệu cần rà soát giống, kỹ thuật làm theo hướng hữu cơ; gắn sản phẩm vào các lễ hội; nghiên cứu, tính toán để phát triển đa dạng thêm các loại rau, hoa, quả.
Về nhóm chăn nuôi, Bộ trưởng đồng tình với chương trình phát triển 500 ngàn con đại gia súc của tỉnh; bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển đến đàn lợn, gà; chú trọng đến gắn chuỗi phát triển khoa học; đảm bảo về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; khuyến khích phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà… Đối với xây dựng NTM, tỉnh Hà Giang chú trọng thay đổi phương thức sản xuất; tập trung gắn với du lịch cộng đồng và thực hiện chương trình “mỗi làng một sản phẩm”…
Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị Bộ NN- PTNT hỗ trợ 1 dự án khoa học công nghệ nhân giống và bảo tồn phát triển đại gia súc của tỉnh để giúp tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình phát triển 500 ngàn con đại gia súc; hỗ trợ triển khai dự án xây dựng giải pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất cho huyện Hoàng Su Phì và tổng thể cho toàn tỉnh từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản; xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật gây trồng một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ 1 dự án bảo tồn, lưu giữ nguồn gen cây lâm nghiệp quý hiếm tại vùng Công viên cao nguyên đá Đồng Văn; hỗ trợ xây dựng mô hình gói hỗ trợ kỹ thuật tổng hợp áp dụng cho vườn cam VietGAP đến năm 2020; hỗ trợ việc xử lý nước cho các hồ “treo”; giúp tỉnh nằm trong quy hoạch vùng sản xuất nông sản hữu cơ của cả nước; bổ sung tỉnh vào vùng quy hoạch phát triển cây cao su; tiếp tục hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án về lĩnh vực thủy lợi, hồ chứa nước sinh hoạt vùng cao, bố trí dân cư, xây dựng NTM…
Trên cơ sở các đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung nghiên cứu, hỗ trợ và luôn “đồng hành” cùng tỉnh Hà Giang để thực hiện thành công việc tái cơ cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.