Hội nghị Sơ kết SX vụ HT 2017 và triển khai SX vụ TĐ tại An Giang
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT An Giang, vụ HT 2017 xuống giống 232.565ha đã thu hoạch 19.678ha, năng suất bình quân đạt 5,17 tấn/ha. Diện tích hoa màu xuống giống được 21.450ha đạt 96,28% so với kế hoạch. Diện tích lúa giảm do chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và hoa màu. Đa phần các loại cây trồng chuyển đổi đều cho hiệu quả tăng hơn so với trồng lúa, điển hình cây khoai cao cho lợi nhuận từ 130 triệu đồng/ha kế đến cây mè lợi nhuận 19 triệu đồng/ha...
Tuy nhiên khó khăn của vụ HT là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hoàn thiện như hệ thống cống, bọng; chưa có DN thu mua, bao tiêu, chế biến; cơ giới hóa trong trồng màu còn ít do giá thành cao. Về thực hiện cánh đồng mẫu lớn, vụ HT có 9.333ha lúa được các DN ký hợp đồng thu mua, dự kiến vụ TĐ 2017 phấn đấu có 13.040ha lúa sẽ được ký kết hợp đồng với DN.
Vụ TĐ An Giang có kế hoạch xuống giống 159.133ha, đa phần diện tích đều nằm trong đê bao an toàn chống lũ. Ngoài ra năm nay tỉnh còn thực hiện xả lũ 28.160ha không canh tác lúa TĐ để nước lũ vào đồng ruộng lấy phù sa tập trung ở các huyện Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Tân Châu, Tinh Biên, Phú Tân... Lịch thời vụ xuống giống vụ TĐ triển khai từ ngày 15/7 - 31/8 thực hiện nghiêm xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ 15 - 31/7. Đợt 2 xuống giống tập trung từ 15 - 31/8.
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, để đảm bảo vụ lúa TĐ ăn chắc yêu cầu Chi cục Thủy lợi, Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã cần chủ động gia cố đê bao trong công tác phòng chống lũ về và phòng tránh rầy nâu, dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ưu tiên xả lũ ở các vùng xả trễ.
Nông dân An Giang thu hoạch lúa HT 2017
“Sản xuất vụ TĐ năm nay lũ có khả năng về sớm và lớn hơn mọi năm trước nhưng không vì đó nhất thiết phải trả giá bằng mọi cách để có được sản lượng cao hơn mà phải tính biện an toàn đặt lên hàng đầu”, ông Thư nhấn mạnh.
Năm nay dự báo rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện mật độ cao, chính vì vậy vấn đề rầy nâu là vấn đề đặc biệt quan trọng và được quan tâm nhiều nhất của tỉnh. Ngành nông nghiệp An Giang thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh với 3 hướng xử lý. Một là, nếu dịch bệnh xảy ra ở mức nhẹ thì vận động bà con xử lý ngay tại chỗ bằng cách nhổ bỏ các cây bệnh. Hai là, nếu dịch bệnh xảy ra ở mức trung bình sẽ sử dụng nguồn thuốc dự phòng của tỉnh xử lý mà không cần phải vận động nông dân. Ba là, nếu ruộng lúa nhiễm bệnh 20% diện tích sẽ cho tiêu hủy để tránh lây lan sang các khu vực khác trong huyện cũng như cả ĐBSCL.
Gia cố đê bao để xuống giống vụ lúa TĐ
Tại hội nghi sơ kết, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có ý kiến chỉ đạo: Hiện nông dân trong tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ HT cũng là thời điểm đang vào mùa mưa bão, phải đảm bảo SX ăn chắc và triển khai vụ TĐ an toàn, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của ngành năm 2017. Tuy nhiên, theo dự báo lũ có khả năng về sớm và cao hơn cùng kỳ. Do đó, đề nghị các địa phương điều hành linh hoạt kế hoạch SX TĐ. Một số vùng xả lũ chủ yếu để điều chỉnh lịch thời vụ như Phú Tân, Tri Tôn, Tân Châu. Xem xét gia tăng sản xuất cây màu ngắn ngày (như bắp non, đậu nành rau, rau ăn lá) ở các vùng điều chỉnh lịch thời vụ SX lúa nhằm đảm bảo đạt kế hoạch SX màu bằng cùng kỳ.
Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền đến các đối tượng có khả năng thiệt hại về tình hình lụt bão, hạn mặn, hướng dẫn nông dân cách sản xuất, lấy nước… thực hiện tốt công tác bảo vệ, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng đảm bảo mức năng suất lúa cao hơn cùng kỳ và kỳ vọng đạt được mức trung bình 5 năm. Tiếp tục triển khai áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho người dân. Trong đó, tập trung khuyến cáo nông dân mật độ gieo sạ.
An Giang triển khai xuống giống vụ TĐ với diện tích 159.133ha
"Sở NN-PTNT, UBND các huyện cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, mực nước lũ ở thượng nguồn để kịp thời nắm thông tin thông báo cho người dân SX nhằm chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả. Không nên quá chủ quan trong công tác chuyển dịch cây rau màu và chú trọng tăng cường thêm diện tích lúa giống chất lượng cao. Sở NN-PTNT An Giang chủ động công tác tổ chức SX thực hiện nhiệm vụ để ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng 3,13%...", ông Thi chỉ đạo.
|