Không chỉ vậy, thường xuyên xuất hiện những xe ô tô tải chở VTTN đi bán rong, trong đó có những mặt hàng kém chất lượng khiến nông dân không biết đâu mà lần.
Ngành chức năng phát hiện 1 vụ dùng xe tải chở vật tư nông nghiệp đi bán rong ở các vùng nông thôn tại huyện Phù Mỹ
Không thể phủ nhận các mặt hàng VTNN đa dạng, dồi dào là điều kiện thuận lợi cho nông dân Bình Định lựa chọn sản phẩm tốt nhất để đưa vào SX. Tuy nhiên, có điều đáng quan ngại là ngoài những DN thực hiện tốt các quy định SXKD, còn có nhiều cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, nhưng vẫn vô tư mở cửa hàng, bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố hoặc mua bán sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản.
Theo ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT, trước thực tế trên, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng của chính quyền các cấp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng VTNN. Trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về SXKD.
Mặt khác, cũng theo ông Lê Bá Thừa, UBND tỉnh Bình Định còn chỉ đạo ngành chức năng phải chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm về SXKD chất lượng VTNN, ATVSTP, xử lý dứt điểm các điểm nóng SX, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng các loại chất cấm như: Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, SXKD và sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đơn vị này cũng đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, Chi cục Thú y và Chăn nuôi chịu trách nhiệm thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y; đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm và hoạt động chăn nuôi tại các trang trại, các cơ sở ấp nở gia cầm, giết mổ gia súc gia cầm, sơ chế, chế biến thực phẩm từ thịt gia súc gia cầm.
Chi cục Thủy sản thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện sản xuất, chất lượng tôm giống; điều kiện nuôi thủy sản và xử lý chất thải trong nuôi trồng thủy sản; hoạt động SXKD các loại ngư, lưới cụ, thiết bị khai thác thủy sản... Chi cục Trồng trọt và BVTV tiến hành thanh kiểm tra các cơ sở SXKD thuốc BVTV, phân bón hữu cơ và phân bón khác do ngành Nông nghiệp quản lý; kiểm tra các cơ sở SXKD cây giống phục vụ sản xuất.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở NN-PTNT đã tổ chức 5 đợt thanh tra, kiểm tra tại 83 tổ chức, cá nhân SXKD các mặt hàng VTNN, qua đó đã phát hiện 14 cơ sở vi phạm. Chi cục Trồng trọt và BVTV thanh tra, kiểm tra 3 đợt tại 32 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện và xử lý 1 vụ vi phạm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức 2 đợt thanh tra, kiểm tra 58 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ động vật; sơ chế, chế biến kinh doanh thịt, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý 14 cơ sở vi phạm.
Những loại thuốc kém chất lượng được ngành chức năng phát hiện
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cùng với Chi cục Thủy sản cũng đã tổ chức 4 đợt thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở SXKD thủy sản, phát hiện và xử lý 21 cơ sở vi phạm. “Bên cạnh việc xử lý, chúng tôi cũng đã tư vấn và hướng dẫn các cơ sở khắc phục các lỗi đã vi phạm, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước”, ông Phạm Bá Thừa cho hay.
Tuy vậy, cũng theo ông thừa, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong SXKD các mặt hàng VTNN còn gặp nhiều khó khăn. Ông Thừa nêu nguyên nhân do số lượng DN và cơ sở SXKD VTNN nhiều và phân bố rộng khắp, muốn kiểm tra SXKD phân bón hay thuốc BVTV, đoàn kiểm tra phải báo cho chủ cơ sở trước ít nhất 5 ngày, thời gian này đủ để cho các cơ sở đưa ra phương án đối phó.
“Lực lượng thanh tra chuyên ngành đang rất mỏng, thêm vào đó việc phối hợp giữa thanh tra Sở NN-PTNT với ngành Công Thương và ngành chức năng các huyện, TX, TP trong kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh VTNN vi phạm cũng chưa được chặt chẽ, nên khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nhất là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương”, ông Phạm Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Định đề xuất.
|