Ngân hàng thừa tiền, người cần vốn không vay nổi, vì sao?Nghịch lý 'tài sản nhỏ bảo lãnh tài sản lớn' khi vay vốn phát triển nông nghiệpTín dụng nông nghiệp: Chính sách hay, vay được khó lắm!
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng NN – PTNT (Agribank)
Theo bà Phượng, các bài viết đề cập khá toàn diện về những nỗ lực cố gắng của hệ thống ngân hàng trong thực hiện gói tín dụng cũng như thẳng thắn chỉ ra hàng loạt vướng mắc, rào cản, bất cập từ các chính sách đi kèm khiến tiến độ giải ngân vốn chậm, chưa đáp ứng hết nhu cầu của nông dân và doanh nghiệp.
Thưa bà, chúng tôi được biết, tiến độ giải ngân gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đến nay rất chậm. Theo phản ánh của nhiều chi nhánh thì vốn trong Agribank khá dồi dào, điển hình như tỉnh Bắc Giang còn hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi dân khó tiếp cận vốn. Đề nghị bà cho biết đâu là vướng mắc, nút thắt của việc này?
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN), Agribank dành 50.000 tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Tính đến 30/6, Agribank đã ký kết cho vay theo hợp đồng tín dụng 1.460 tỷ đồng, với 315 khách hàng, dự nợ 762 tỷ đồng.Trong đó: Dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 190 tỷ đồng, với 287 khách hàng. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch là 572 tỷ đồng, với 28 khách hàng.
Tuy nhiên, so với nguồn vốn mà Agribank giành để cho vay là rất chậm, do những vướng mắc, nút thắt sau:
Một là, các dự án chưa đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn tại Quyết định 738 của Bộ NN - PTNT. Việc cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm (mới có 2 DN đang vay vốn ngân hàng, với dư nợ 25 tỷ đồng).
Hai là, chưa có các bộ định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, đặc biệt là SXNN công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay. Công tác bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được thực hiện để đảm bảo an toàn vốn cho khách hàng và ngân hàng.
Ba là, vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho SXNN công nghệ cao rất lớn. Tuy nhiên, hiện các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay. Bên cạnh đó nhiều vấn đề từ chính sách đất đai còn những vướng mắc mà chính ngành ngân hàng đã có nhiều đề xuất tháo gỡ song đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đây chính là những rào cản lớn dẫn đến việc triển khai gói tín dụng gặp nhiều khó khăn.
Bà có chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính sách thiếu đồng bộ, các vấn đề liên quan đến đất đai, quyền sở hữu tài sản… Vậy, theo bà, hướng đề xuất của ngành ngân hàng nên giải quyết như thế nào để tiền không ngủ yên trong ngân hàng và người dân có vốn đầu tư phát triển?
Theo tôi các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình nhà kính trên đất theo cấp hạng phù hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (đối với công trình nhà kính trên đất nông nghiệp).
Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền quan tâm đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận cơ sở SXKD nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Giấy chứng nhận VietGAP, Giấy chứng nhận trang trại cần loại bỏ các điều kiện về thủ tục đất đai.
Cấp có thẩm quyền đẩy nhanh việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; UBND cấp tỉnh đẩy nhanh việc công nhận Vùng Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao; phê duyệt các dự án được hoạt động tại các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Vùng Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao này.
Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp đối với một số địa phương khi có giá chuyển nhượng theo giá thị trường để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp SXNN công nghệ cao.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ giúp cho DN đầu tư SXNN công nghệ cao; hỗ trợ về lãi suất đối với các tổ chức tín dụng khi cho vay áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng ứng dụng công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank (phải) và PV NNVN
Thưa bà, thường khi vốn vay không được giải quyết thì người dân kêu ca và đổ lỗi cho ngân hàng. Ý kiến của bà về việc này thế nào?
Cái này có muôn vàn lý do, bản thân người vay năng lực quản trị, uy tín của người vay trong lịch sử quan hệ với ngân hàng, thị trường đầu ra sản phẩm không ổn định… ảnh hưởng đến khả năng hiệu quả dự án đầu tư. Có khi đủ điều kiện về đất đai, tài sản thế chấp nhưng đầu ra sản phẩm của dự án bấp bênh thì việc cho vay cũng phải được cân nhắc, tính toán.
Tuy nhiên nguyên nhân từ chính sách thiếu đồng bộ, các vấn đề liên quan đến chính sách đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản bảo đảm tiền vay thì phía chính quyền đứng ra hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cho người dân để cho họ có điều kiện thế chấp vay vốn.
Đơn cử tại huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, mấy ngày nay ông Tô Hiến Thành xã Danh Thắng có tâm thư bày tỏ việc cần vốn để đầu tư phát triển chuỗi sản xuất hữu cơ. Thực tế ông Thành đang vay Agribank Hiệp Hòa 2 tỷ đồng và vay Ngân hàng Công thương chi nhánh Bắc Giang 1 tỷ đồng.
Cách đây 17 năm, ông Thành nhận khoán của thôn 3,5 ha do trưởng thôn ký hợp đồng để trồng cây lấy gỗ và nuôi thả cá, thời gian thuê 30 năm. Việc thôn ký hợp đồng cho ông Thành nhận khoán đất là không đúng thẩm quyền theo Luật đất đai nên đến nay đất ông Thành chưa được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc dù tài sản trên đất rất lớn nhưng phía ngân hàng không thể giải quyết cho vay được. Vì ông Thành đang xây dựng chuồng trại chăn nuôi trên đất nhận khoán của thôn với mục đích thuê là trồng cây và nuôi trồng thủy sản nên bất cứ lúc nào nhà nước cũng có thể thu hồi thì dẫn đến ngừng sản xuất chăn nuôi. Như vậy nếu cho vay vốn không có đảm bảo là rủi ro rất lớn về phía ngân hàng.
Qua trao đổi, ông Thành khẳng định có được cơ sở vật chất ngày hôm nay là nhờ Agribank Hiệp Hòa luôn đồng hành cùng gia đình kể cả lúc khó khăn nhất. Ông mong muốn nhà nước hướng dẫn hoàn thiện thủ tục cấp bìa đỏ đất và chứng nhận quyền sở hữu trên đất để ông được vay vốn đầu tư làm ăn.
Trong khi chờ đợi việc thay đổi thông tư, nghị định và các vướng mắc tồn tại nói trên được giải quyết, phía Agribank sẽ có những biện pháp sáng tạo, đột phá nào theo bà để gói tín dụng được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả nhất đến với doanh nghiệp và người dân?
Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN về thúc đẩy tăng trưởng gói tín dụng nông nghiệp sạch và gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Với quyết tâm đó, Agribank đã ban hành quy định cho vay ưu đãi nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến các đối tượng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay, tập trung đầu tư các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường.
Thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực SXKD.
Khuyến khích các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với DN nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ,liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Tính đến 30/6/2017, Agribank có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, nguồn vốn trên 965 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế trên 781 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 73,4% tổng dư nợ và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng.
Gần 30 năm phát triển, Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn. Agribank tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình trọng điểm của Chính phủ, NHNN. Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển SXKD.
Riêng năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 5gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển SXKD.
|