Sinh năm 1985 tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, với khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu, Nguyễn Đình Thiệp đã từng trải qua khá nhiều nghề kinh doanh khác nhau. Nhưng vì bức xúc trước những nguy hại phát sinh từ “rau bẩn”, Thiệp đã quyết định dấn thân khởi nghiệp từ nghề trồng rau VietGAP.
Khu sản xuất rau VietGAP của Việt Nhật
Với qui mô diện tích 2ha, trong đó có 3.000m2 nhà lưới, cùng nhiều thiết bị điều khiển tưới nước tự động, trung bình mỗi tháng Cty Rau sạch Việt Nhật do Nguyễn Đình Thiệp làm giám đốc, đã cung cấp cho người tiêu dùng 6 tấn rau, củ, quả sạch các loại.
Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Đình Thiệp cho biết, Cty rau sạch Việt Nhật được thành lập từ tháng 5/2016, với số vốn ban đầu trên 1 tỷ đồng, bao gồm 5 thành viên góp vốn. Trong đó, phần lớn diện tích trồng rau đều phải thuê lại ruộng khoán canh tác từ người dân địa phương với giá 1 triệu đồng/sào/năm, thời hạn thuê 5 - 10 năm.
Cty tiến hành trồng rau quanh năm, mùa nào có sản phẩm rau ấy như: Vụ ĐX có cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải bó xôi, xà lách... Vụ XH và HT có rau muống, cà pháo, cà tím, bầu, bí mướp, đậu đỗ các loại...
Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các cửa hàng rau sạch khu vực thành phố Hưng Yên và Hà Nội. Giá bán ổn định trong suốt năm từ 15 - 20 nghìn đồng/kg tuỳ loại. Hiện sản phẩm làm ra từ Cty của anh không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Thiệp cho biết, sở dĩ Cty mang tên Việt Nhật là để tri ơn dự án Jica của Chính phủ Nhật Bản triển khai trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đã giúp cho anh và các thành viên trong Cty có cơ hội được tập huấn lý thuyết và thực hành trồng rau sạch tại địa phương.
Nhà lưới trồng rau của Việt Nhật
Tham quan mô hình thực tế chúng tôi thấy, qui mô sản xuất của Việt Nhật còn khá khiêm tốn. Nhưng bước đầu Cty đã có được sự đầu tư bài bản như:
Đã làm được nhà lưới khung kẽm để trồng các loại rau mẫn cảm cao với các loại sâu bệnh. Có hệ thống tưới phun mưa, phun sương tự động. Có khu nhà làm sơ chế sản phẩm trước khi bao gói. Bao bì đóng gói hợp vệ sinh. Có biểu tượng logo ghi thời gan và địa chỉ sản xuất, rất dễ dàng truy xuất nguồn gốc khi cần.
Quá trình sản xuất rau đã tuân thủ các quy trình VietGAP chung và VietGAP riêng cho từng giống rau, củ, quả như:
- Khu trồng rau đảm bảo cách xa bệnh viện, nghĩa địa, khu chôn lấp rác thải và đường quốc lộ theo qui định. Đất trồng cát pha và thịt nhẹ, cơ bản cao ráo thoát nước tốt, phù hợp cho chuyên canh nhiều loại rau ăn lá, ăn củ và ăn quả. Không sử dụng phân chuồng và nước phân chuồng tươi trong quá trình canh tác.
- Các loại phân hữu cơ đều được trộn đều với vôi bột tỷ lệ 2%, sau ủ 2 - 3 tháng tới hoai mục mới đưa vào bón lót cho cây rau.
- Định kỳ 6 tháng lấy mẫu nước đất, mẫu nước nhờ các cơ quan chuyên môn phân tích, đảm bảo đủ điều kiện theo qui định mới gieo trồng rau trở lại.
- Hạt giống và cây giống được mua từ các cơ sở có uy tín, được nhà nước công nhận.
- Khi gieo trồng lựa chọn các hạt giống, cây giống khoẻ, không mang mầm bệnh.
- Không sử dụng các thuốc BVTV, phân bón hoá học, thuốc trừ cỏ, phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng ngoài danh mục được Bộ NN-PTNT cho phép trong sản xuất rau sạch.
Rau đóng gói theo quy cách
- Ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học và thảo mộc.
- Bón cân đối các loại đạm, lân, kaki. Chỉ sử dụng hoá chất BVTV ở giai đoạn cây rau còn nhỏ và khi mật độ, tỷ lệ sâu bệnh gây hại cao. Và đảm bảo cách ly thuốc BVTV và phân bón trước thu hoạch rau, củ, quả 12 - 15 ngày...
"Hiện nhu cầu về rau VietGAP trên thị trường còn rất lớn. Nhưng Việt Nhật vẫn gặp nhiều khó khăn trong thuê mượn đất canh tác để mở rộng qui mô sản xuất. Bởi, nhu cầu của Cty cần thuê đổi các chân ruộng liền bờ liền vùng. Mà một vài hộ dân có ruộng liền kề khu sản xuất của Cty chưa sẵn sàng chuyển đổi cho thuê lại với giá Cty đã thuê của mọi người. Mặt khác, thuê mượn ruộng của người dân chỉ được 5 - 10 năm, sẽ khó khăn cho sự đầu tư lâu dài", anh Nguyễn Đình Thiệp.
|