Thay đổi tư duy sản xuất rau (06/10/2017)

Vùng đất bãi bồi ven sông Kôn màu mỡ đã cho người dân làng Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) nghề trồng rau.

Từ khi dự án SX nông nghiệp tốt (VietGAP) do New Zealand tài trợ (năm 2011), phương thức canh tác rau của bà con đã chuyển sang hướng SX sạch.


Rau VietGAP Thuận Nghĩa

Bà Trần Thị Tùng ở làng Thuận Nghĩa đang sở hữu 3 sào đất trồng rau (500 m2/sào) bộc bạch: “Trước đây tui trồng rau theo cách truyền thống. Từ khâu chọn giống, chọn đất, tưới nước, bón phân… đều làm theo thói quen. Khi được Ban Quản lý dự án Sinh kế nông thôn bền vững (Sở NN-PTNT Bình Định), tập huấn kỹ thuật trồng rau VietGAP, tui mới vỡ lẽ phương cách trồng rau sạch khác lắm!

Từ chọn giống đến gieo trồng, tưới tiêu, bón phân đều khác, phải tuân thủ theo quy trình. Cái lợi trước mắt là nếu như trước đây trồng rau theo cách truyền thống thì phải 3 tháng sau mới cho thu hoạch, thế nhưng trồng rau VietGAP thì chỉ từ 25 - 30 ngày. Thời gian cây rau đứng trên đồng ít hơn, nên chi phí thấp, công chăm sóc cũng giảm”.

Nông dân Đào Văn Tri chia sẻ thêm: “Trước đây làm theo thói quen, tui cứ nghĩ mỗi khi tưới thì nước phải lênh láng thì rau mới tốt, giờ trồng theo VietGAP chỉ cần tưới vừa đủ, tưới ít thì sợ rau khô mà tưới nhiều thì rau không hấp thụ hết, lại làm đất mất chất. Bón phân vừa phải để rau hút dinh dưỡng, bón nhiều phân quá thì phân nằm lại trong đất, rau sống trên đất sẽ bị nhiễm kim loại nặng, người tiêu dùng ăn không tốt cho sức khỏe”.

Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, ngoài số hộ trồng rau theo hướng VietGAP thì phần lớn bà con đang canh tác rau theo truyền thống cũng đã biết tuân thủ các quy định về liều lượng, thời gian dùng thuốc BVTV, bón phân đúng quy trình nhằm đảm bảo rau sạch. Vì lẽ đó, làng rau luôn có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.

Nông dân Trần Văn Trinh (46 tuổi) có 3 sào đất chuyên trồng hành tím, khi làm xong vụ chính ông trồng thêm các loại cải ngọt, cải cúc, mỗi năm thu lãi 40 - 50 triệu đồng. Ông Trinh cho biết: “Gia đình tui sống khá và có tiền lo cho 2 đứa con ăn học lên đến đại học rồi đã ra trường... là nhờ vào 3 sào đất trồng hành, trồng rau. Những năm các tỉnh phía Bắc thời tiết lạnh kéo dài, thị trường rau khan hàng thì bà con nơi đây “trúng mánh”, rau bán đắt như tôm tươi”.

Cũng theo ông Trinh, sở dĩ cây rau ở Thuận Nghĩa phát triển tươi tốt hơn các vùng rau khác là nhờ vào nguồn phù sa đắp bồi và nguồn nước ngầm dồi dào của sông Kôn. “Khác cây lúa, cây hoa màu ưa nắng nhiều, đặc biệt ở đây càng nắng hạn rau càng phát triển. Bởi vốn đất phù sa cho nhiều dinh dưỡng, những năm hạn gắt sông Kôn vẫn có nguồn nước ngầm dồi dào đủ tắm mát cho những vườn rau tốt tươi”, ông Trinh lý giải.


Sơ chế rau VietGAP

Ông Quách Văn Cầu cho biết thêm, ở Thuận Nghĩa có 414 hộ dân thì có đến 366 hộ dân làm kinh tế bằng nghề trồng rau, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt gần 50 triệu đồng/năm. Với diện tích 36ha, người dân xuất bán ra thị trường 5 - 10 tấn rau sạch mỗi ngày. Từ năm 2011 bắt đầu trồng rau theo phương thức VietGAP với 65 hộ tham gia.

Kế thừa nghề trồng rau từ bố vợ, anh Nguyễn Quốc Thành (40 tuổi) vốn làm nghề thợ hồ thu nhập bấp bênh, mấy năm nay chuyển sang trồng rau. Với 3 sào đất canh tác, anh dành 1 sào để trồng rau VietGAP, 2 sào trồng rau truyền thống.

Anh Thành chia sẻ: “Trồng rau theo VietGAP không khó, nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, cách bón phân, thuốc sinh học sao cho hợp lý. Trong khi thời gian trồng chăm sóc như nhau, nhưng giá rau VietGAP khi nào cũng phải bán cao hơn 30% so với rau truyền thống. Ví như cải cúc trồng theo hướng truyền thống bán được 3.000 đồng/bó thì trồng theo VietGAP bán được 3.500 đồng/bó. Khi đầu ra rộng mở hơn thì tôi sẽ chuyển hết 3 sào đất sang trồng rau VietGAP”.

“Hiện HTX Thuận Nghĩa có nhà sơ chế nên các loại rau VietGAP sau khi thu hoạch được đưa vào nhà sơ chế. Mỗi ngày, làng rau cung cấp trên 500kg rau, thời điểm chính vụ khoảng 800kg cho siêu thị Co.opmart Quy Nhơn”, ông Quách Văn Cầu.

Theo ĐÌNH THUNG - MẠNH TUẤN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 107
Tổng truy cập: 39349354