Đây là vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm tại hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường rau củ quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU", do Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ngày 9/10.
Thị trường khó tính
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho hay, năm 2013, EU phát hiện các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam có một số vấn đề về kiểm tra, kiểm dịch thực vật, nên đã ngưng nhập khẩu. Sau đó, các Bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực cải thiện và các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam đã mở lại được thị trường EU, nhưng chưa được như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Trồng dưa trong nhà lưới
Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam tăng ngoạn mục, đồng thời ước xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt hơn 2,6 tỷ USD (tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước), còn kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD (tăng 78,2%). Thị trường châu Á là khu vực dẫn đầu xuất khẩu rau củ quả tươi của Việt Nam, tiếp theo là khu vực EU và thị trường các khu vực khác. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính xuất khẩu sang EU từ đầu năm 2017 đến nay gồm rau, quả, hoa và những sản phẩm khác đạt 680.000 tấn. Mặc dù, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu rau củ, quả tươi Việt Nam đang có tín hiệu tốt ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng song song với đó là nguy cơ doanh nghiệp vướng phải các rào cản phòng vệ thương mại, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, đối với thị trường EU thì nhóm rau gia vị có nguy cơ cao về kiểm tra, khiểm soát thực vật, nên cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường cải tiến thêm quy trình nhà lưới và quy định canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn. Riêng nhóm rau củ, quả tươi, chỉ đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà xuất khẩu và người sản xuất đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của EU. Trong đó, nên triển khai hệ thống truy xuất nguyên nguồn gốc nguyên liệu xuất khẩu, vùng sản xuất phải đạt tiêu chuẩn chuẩn VietGAP.
Nắm bắt yêu cầu người mua
Chia sẻ về yêu cầu của người mua rau củ, quả tươi tại EU, ông Ruggero Malossi, chuyên gia quốc tế thuộc Dự án EU-Mutrap bày tỏ, thị trường EU luôn đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm. Đó là lý do tại sao việc sản xuất và kinh doanh nông phẩm tươi phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp cũng như những yêu cầu khác của người mua. Trong số các yêu cầu chính, nhà xuất khẩu sẽ phải áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng cụ thể trong quá trình chế biến, đóng gói sản phẩm. Đồng thời, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để có thể theo dõi sản phẩm trong trường hợp phát sinh về an toàn và khắc phục chúng.
Trồng bưởi Năm Roi theo hướng VietGAP ở Hậu Giang
Hiện nay, Việt Nam đang triển khai HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) để đảm bảo chất lượng và an toàn trong ngành cá. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các đơn vị chế biến, đóng gói sản phẩm phải biết và tuân thủ các tiêu chuẩn này thì mới đảm bảo có thể cạnh tranh trong các thị trường mới, bao gồm cả EU. Tương tự, nên cần xem xét áp dụng HACCP cho rau củ, quả tươi, cho các hoạt động sau thu hoạch và chế biến rau củ, quả tươi. Việc áp dụng HACCP kết hợp với GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) có thể kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm và giúp thu hồi lại chi phí dễ dàng.