Năm 2011, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế New Zealand, thông qua dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định, HTXNN Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) được chuyển giao quy trình kỹ thuật SX rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP, và được đầu tư xây dựng chuyển giao nhà sơ chế sản phẩm.
Sơ chế rau VietGAP tại HTXNN Phước Hiệp
Dự án phối hợp với địa phương, giao trách nhiệm cho HTXNN tổ chức quản lý, điều hành hướng dẫn nông dân SX, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Cứ nghĩ, hoạt động kinh doanh rau VietGAP thuộc dự án sinh kế nông thôn sẽ được ưu tiên miễn thuế, nên HTX không kê khai nộp thuế đối với hoạt động này. Đùng một cái, ngành thuế huyện Tuy Phước truy thu nhiều khoản thuế đối với hoạt động kinh doanh rau của HTXNN Phước Hiệp khiến đơn vị này “chới với”, phải “kêu cứu” lên UBND tỉnh Bình Định.
Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, dự án RAT theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX được dự án tài trợ với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP; cải tạo môi trường, đảm bảo ổn định SX lâu dài, bền vững; kết nối các hộ nông dân nghèo và cận nghèo tại địa phương, góp phần cải thiện sinh kế cho nông hộ. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ về cơ sở vật chất, cấp vốn, tập huấn quy trình kỹ thuật, tổ chức kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm…
HTXNN Phước Hiệp hình thành 4 nhóm cùng sở thích SX RAT VietGAP với quy mô 5,7ha, 87 hộ tham gia. Hai năm đầu, các nhóm cùng sở thích này tự tổ chức quản lý, điều hành SX, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm RAT, nhưng không thành công. Do vậy, dự án đã phối hợp với địa phương, giao trách nhiệm cho HTX tổ chức quản lý, điều hành hướng dẫn nông dân SX, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Đây là lĩnh vực mới nên HTX vừa học vừa làm, việc tổ chức kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn; hoạt động đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, sản lượng tiêu thụ thấp, thị phần còn hạn chế.
“Việc kinh doanh, thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu lấy thu bù chi, HTX chưa có lợi nhuận. Thu nhập chênh lệch từ dịch vụ RAT chưa đủ để chi tiền công cho bộ phận quản lý, chưa trích khấu hao nhà xưởng và mua sắm thiết bị phục vụ SX. Chúng tôi cứ nghĩ hoạt động kinh doanh rau VietGAP nằm trong dự án sinh kế nông thôn sẽ được ưu tiên miễn thuế, nào ngờ mới đây Chi cục Thuế huyện Tuy Phước truy thu nhiều khoản thuế khiến HTX khó khăn”, ông Phạm Long Thăng cho hay.
Trong khi HTXNN Phước Hiệp nghĩ hoạt động kinh doanh rau VietGAP thuộc dự án Sinh kế nông thôn bền vững sẽ không phải nộp thuế thì Chi cục Thuế huyện Tuy Phước lại xác định đây là ngành nghề kinh doanh không được miễn thuế. Ngành thuế huyện Tuy Phước cho rằng HTXNN không tự SX mà đứng ra làm đầu mối thu gom sản phẩm RAT để tiêu thụ. Dựa trên cơ sở đó, Chi cục Thuế huyện Tuy Phước ra quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt nộp chậm về khoản mua bán RAT của HTXNN Phước Hiệp trong 2 năm 2014 và 2015. Tổng cộng mức truy thu của HTX hơn 60,5 triệu đồng.
Người trồng rau ở HTXNN Phước Hiệp được dự án chuyển giao quy trình kỹ thuật SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP
“Thực ra HTX đang làm cho dự án chứ đã kinh doanh gì đâu, dự án bảo HTX làm rồi hạch toán riêng để theo dõi, chứ nhà xưởng vẫn chưa khấu hao cho HTX nên chưa thể tính toán lời lỗ thì làm sao tính đến chuyện đóng thuế. Bây giờ HTX phải “cõng” nhiều khoản thuế như vậy thì chỉ có… gãy lưng! Chúng tôi vừa báo cáo lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đề nghị được xem xét miễn thuế cho HTX trên lĩnh vực hoạt động này để chúng tôi tiếp tục thực hiện pha 2 của dự án giai đoạn 2016 – 2020”, ông Phạm Long Thăng cho biết.
Để khuyến khích mở rộng diện tích SX RAT trên địa bàn tỉnh, đồng thời để triển khai thành công pha 2 của dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã yêu cầu ngành thuế xem xét, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho HTXNN Phước Hiệp trong cách tính thuế và thu thuế kinh doanh RAT của dự án.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Long Thăng, đến nay Chi cục Thuế huyện Tuy Phước vẫn chưa trả lời về vấn đề này và vẫn áp dụng thu các khoản thuế như trước!
|