Kỹ thuật nuôi tiến bộ vượt bậc
Thưa ông, năm nay nuôi tôm trúng mùa, được giá, dịch bệnh giảm. Các vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL bà con đang tích cực thả nuôi trái vụ đón Noel và Tết. Ông đánh giá thế nào về vụ nuôi cuối năm này? Có phải vấn đề quản lý dịch bệnh cùng khoa học kỹ thuật nuôi tôm tốt lên khiến bà con nuôi tôm được cả trong mùa mưa?
Hiện nay, các tỉnh phía Bắc và miền Trung cơ bản đã qua vụ nuôi tôm chính trước khi không khí lạnh tràn về. Tuy nhiên, đối với khu vực ĐBSCL vẫn có thể xuống giống nuôi ở nhiều khu vực có điều kiện đảm bảo theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trả lời PV NNVN. Ảnh: Thanh Hà
Thông thường, đây là vụ nuôi qua nhiều năm được đánh giá là nếu chăm sóc, quản lý đạt kết quả sẽ có lợi nhuận lớn hơn do nguồn cung các tháng này giảm, giá tôm thường tăng. Tuy nhiên cũng phải thấy các tháng cuối năm là giao mùa, từ mùa mưa qua mùa khô, mặc dù ở xa nhưng các tỉnh ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng của không khí lạnh, tác động của BĐKH (qua đánh giá của ngành khí tượng thủy văn và người dân ĐBSCL thì các năm gần đây khu vực này thời gian và cường độ xuất hiện nhiệt độ lạnh nhiều hơn), trong đó các hiện tượng thời tiết cực đoan như quá nóng, quá lạnh, chênh lệnh nhiệt độ ngày đêm lớn dẫn đến dịch bệnh dễ bùng phát nhất là bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp… đã làm cho người nuôi tôm phải chú ý nhiều hơn về các mặt như áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát môi trường nuôi…
Hàng năm, ngành nông nghiệp (thủy sản) có đưa ra khung lịch mùa vụ khuyến cáo các địa phương dựa trên tình hình dự báo của ngành khí tượng thủy văn, kết quả triển khai quan trắc môi trường các năm trước và tình hình chỉ đạo mùa vụ trực tiếp của các địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có sự bất thường đều cùng các địa phương có những điều chỉnh kịp thời. Để nuôi tôm trái vụ thành công, lưu ý cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời đến người nuôi tôm, theo đó chỉ khuyến khích các hộ nuôi có đủ điều kiện hạ tầng về ao/hồ, đầu tư khoa học kỹ thuật, kiểm soát được yếu tố môi trường và dịch bệnh hãy tiếp tục thả giống và đảm bảo an toàn cho vụ nuôi chính vụ tiếp theo.
Bên cạnh đó, cũng phải đánh giá trong hai năm trở lại đây kỹ thuật nuôi tôm của ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhiều giải pháp đã được áp dụng như nuôi tôm 2-3 giai đoạn, nuôi trong hệ thống tuần hoàn, nuôi khép kín, kết hợp với các loài cá, nuôi rải vụ (thả thăm dò và luân phiên chứ không thả giống ồ ạt), sử dụng thức ăn tự nhiên bổ sung, sử dụng vi sinh có chất lượng, kiểm soát môi trường trong quá trình nuôi và đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật để hạn chế ảnh hưởng của diễn biến cực đoan của thời tiết. Do đó tỷ lệ thành công cao, tôm nguyên liệu đạt chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Mặt khác, cần phải thấy đóng góp lớn của nhà nước trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công tác dự báo, cảnh báo thông qua đầu tư cho quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh và đặc biệt là việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác sản xuất, lưu thông các sản phẩm vật tư đầu vào như giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường và công khai sai phạm trên các phương tiện truyền thông cũng đã góp phần giúp cho người nuôi tôm yên tâm sản xuất hơn.
Hình thành vùng nuôi tập trung
Một vụ tôm mới lại chuẩn bị bắt đầu. Ông khuyến cáo gì đối với vụ nuôi mới quan trọng này?
Mặc dù năm nay được coi là thắng lợi đối với ngành nuôi tôm ở nước ta như đã đánh giá ở trên. Tuy nhiên, đối với vụ nuôi mới năm 2018 chúng ta không được chủ quan. Theo dự báo, dưới tác động của BĐKH thì diễn biến khí hậu, thời tiết, môi trường vùng nuôi vẫn diễn biến bất thường, nguy cơ tác động lớn đến người nuôi tôm, do đó việc chuẩn bị thật tốt để đảm bảo cho vụ nuôi tôm mới thành công là hết sức cần thiết.
Ông Trần Đình Luân phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị về ngành tôm. Ảnh: Thanh Hà
Có rất nhiều vấn đề cần quan tâm khuyến cáo đã được các cơ quan khoa học, quản lý thông tin cho người dân, tuy nhiên một số điểm chủ chốt cần được quan tâm hơn: Lên kế hoạch sản xuất thật tốt như thiết kế hệ thống ao chứa nước, ao xử lý nước, ao nuôi/thời điểm nuôi, ao xử lý bùn thải… và rà soát quy trình công nghệ, vật tư thiết bị áp dụng năm trước để có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho năm sau tốt hơn; tuân thủ khuyến cáo mùa vụ, kỹ thuật của cơ quan chức năng; trong thời gian các hộ nuôi cho ao nghỉ và tiến hành cải tạo (nạo vét bùn đáy, tu sửa ao, phơi đáy… theo hướng dẫn – đây là giai đoạn để ao có thể phân hủy hết các chất hữu cơ dư thừa lắng đọng trong ao, cắt mầm bệnh); trước khi thả giống cần lấy nước, gây màu cẩn thận để tạo được nguồn thức ăn tự nhiên tốt và môi trường đảm bảo cho con giống; lên kế hoạch lựa chọn con giống có chất lượng, thời điểm thả giống, ương (nên ương nuôi ít nhất 2 giai đoạn) phù hợp với quy mô của mình để khi vào vụ chính thức đã có được kế hoạch sản xuất chủ động tốt nhất.
Ngoài các kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến như nuôi chính xác, nuôi 2 giai đoạn, rồi 3 giai đoạn, thì nuôi tôm có chứng nhận (VietGAP, ASC...) theo chuỗi giá trị cũng đã bắt đầu hình thành, các tổ chức quốc tế rất khuyến khích. Nhưng với diện tích nuôi còn manh mún thì việc chứng nhận rất khó thực hiện. Giải pháp đặt ra là gì để nghề nuôi tôm bền vững hơn, thưa ông?
Bên cạnh các quy trình ương nuôi tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sáng tạo của người nuôi tôm, trong những năm gần đây cũng ghi nhận gia tăng diện tích nuôi tôm được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất thủy sản tốt như VietGAP, BAP, GlobalGAP, ASC…, đây là tín hiệu rất tốt và khẳng định xu hướng phát triển của ngành tôm sản xuất có trách nhiệm và đáp ứng tốt quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Để hạn chế ảnh hưởng của vấn đề này trong giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp (thủy sản) đã chỉ rõ việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các HTX, THT… nhằm liên kết người nuôi nhỏ tổ chức thành các vùng nuôi tập trung, sản lượng lớn hơn và quan trọng là tổ chức tiếp cận vật tư đầu vào có chất lượng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm/kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Song song với tổ chức lại sản xuất, cơ quan chức năng cũng đã làm việc với các tổ chức chứng nhận sản xuất thủy sản tốt để phát triển chứng nhận thủy sản theo nhóm. Hiện nay, các chứng nhận VietGAP, BAP, GlobalGAP đã có hướng dẫn chứng nhận nhóm, bên cạnh đó chứng nhận ASC đang hoàn thiện hướng dẫn chứng nhận nhóm, do đó có thể sớm áp dụng trong thực tế cho ngành tôm.
Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Tuy nhiên, để ngành tôm phát triển bền vững thì bên cạnh tổ chức lại sản xuất, áp dụng thực hành sản xuất tốt như đã nêu trên, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi. Tăng cường công tác quản lý, chuyển giao khoa học, công nghệ, thông tin tuyên truyền, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở rộng thị trường, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật… thì ngành tôm sẽ phát triển ổn định và ngày càng bền vững hơn.
Xin cảm ơn ông!
Vừa qua chúng ta bị EU phạt "thẻ vàng" cảnh báo việc đánh bắt hải sản. Với thủy hải sản nuôi có ảnh hưởng hay mối lo ngại gì không, thưa ông?
Hiện EU cảnh báo thẻ vàng tập trung đối với sản phẩm thủy sản khai thác, do đó, chưa có ảnh hưởng gì đến thủy sản nuôi. Việc hành động của chúng ta lúc này và lâu dài, theo tôi, cần tuân thủ các quy định về mùa vụ khai thác, kích thước ngư cụ khai thác… Không sử dụng xung điện, hóa chất, chất độc… để khai thác thủy sản. Không khai thác thủy sản trong các vùng cấm, khu bảo vệ nghiêm ngặt của các khu bảo tồn…
Trên cơ sở kết quả điều tra nguồn lợi công bố, tổ chức lại người dân thành các tổ chức cộng đồng để bảo vệ và khai thác hợp lý, chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác manh mún, nhỏ lẻ ven bờ sang các nghề không làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Tăng cường ý thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi, tổ chức thả tái tạo nguồn lợi thủy sản theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương.
|