Nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm an toàn, Sở NN- PTNT Hòa Bình đang tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, VietGAP, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… và liên kết chuỗi để bao tiêu sản phẩm.
Rau sạch Kim Bôi được quảng bá tại hội chợ
Ngành NN- PTNT Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các loại sản phẩm, thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là nhu cầu về thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn...
Vì vậy, việc xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, mô hình liên kết theo chuỗi cung ứng hàng hoá để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đang là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Ông Vương Đắc Hùng, PGĐ Sở NN- PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, thời gian qua, ngành NN- PTNT Hòa Bình đã chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách và chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn mà sản phẩm kém chất lượng có thể mang lại, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Hướng dẫn các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, phát triển nhân rộng mô hình áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại...
Do đó đã đạt được một số kết quả như cơ cấu cây trồng từng bước chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường.
Chăn nuôi được duy trì, phát triển mạnh theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Kể từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều hoạt động thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị được triển khai. Cụ thể, 9 tháng năm 2017 đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch và tổ chức thực hiện đối với 22 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giai đoạn 2017- 2018. Tổ chức kiểm tra, giám sát và cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm táo, nhãn, bưởi của huyện Lương Sơn. Hướng dẫn đảm bảo điều kiện ATTP cho 30 cơ sở, chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 15 cơ sở.
Tăng cường kết nối hỗ trợ 13 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản thực phẩm của tỉnh tham gia phiên chợ "Nông sản, thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp”.
HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động (huyện Kim Bôi) là một trong những cơ sở phát triển hiệu quả mô hình liên kết sản xuất thực phẩm an toàn. Được thành lập năm 2016 với 26 thành viên có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất tham gia. Nghề cây ăn quả có múi được xác định là ngành nghề mũi nhọn, trọng tâm. Tổng diện tích trồng cây có múi của HTX hiện đạt 147ha, dự kiến mở rộng đến 2020 đạt 250ha. Diện tích kinh doanh năm 2017 đạt trên 50ha, sản lượng dự kiến trên 700 tấn.
Ông Nguyễn Trung Huân, GĐ HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động cho biết, với mục tiêu tạo khối lượng lớn sản phẩm quả có múi chất lượng cao, mẫu mã đẹp và đảm bảo an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng, HTX đã thành lập ban quản lý chất lượng sản phẩm để giám sát, kiểm soát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm với mọi vườn cây của từng thành viên. Thường xuyên tổ chức, tập huấn, bổ sung kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh nghiệm trồng và chăm sóc các giống cây trồng cho bà con.
Nhờ đó, đầu ra sản phẩm của HTX luôn đáp ứng thị trường về tiêu chí sạch. Toàn bộ diện tích đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đang trong quá trình đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP, đặc biệt có 3,2ha được chứng nhận hữu cơ.
Ngoài các chuỗi giá trị do tỉnh quản lý, các chuỗi giá trị thuộc quản lý cấp huyện như: rau Kim Bôi, gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc… tiếp tục được tăng cường phát triển thương hiệu gắn với hình thành vùng sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
|
Hiện HTX đã đăng ký sở hữu trí tuệ mẫu logo, tem, nhãn hàng hóa... đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc đến từng lô hàng, từng vườn cây của từng thành viên. Đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 2 doanh nghiệp tại Hà Nội.
HTX đang xúc tiến trang bị hệ thống tem thông minh trong quản lý bán hàng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dù không phải là tổ chức kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ cây có múi nhưng với định hướng rõ ràng và xuyên suốt trong quá trình hoạt động là: đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình với bao bì, nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch tới từng hộ sản xuất và từng lô sản phẩm.
Với tiêu chí này sản phẩm của HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động đang đi đúng hướng với mong muốn và yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển thủy sản. Các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển thủy sản, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nuôi cá theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như Công ty Cá sạch sông Đà, Công ty Minh Phú, Công ty Hải Đăng... Đối tượng nuôi tập trung vào các loại cá sông Đà đã có thương hiệu như: Cá chiên, lăng, tầm, trắm đen, bỗng... cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, có chỗ đứng trên thị trường.
Nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình
Đến nay có 7 doanh nghiệp đã ký kết với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGAP bảo đảm an toàn thực phẩm, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định.
Năm 2016, Sở NN- PTNT Hòa Bình đã triển khai thành công chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà; 2 năm 2017- 2018 tiếp tục thực hiện dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện vùng hồ Hòa Bình.
Trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp thực sự là hạt nhân thúc đẩy hộ sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp tham gia liên kết cùng nâng cao hiệu quả, giá trị tăng thêm của nghề nuồi trồng thủy sản trên hồ Hòa Bình.
Để tạo sự phát triển bền vững cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh đang xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá sông Đà, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà.
|