Nhiều mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo cung ứng dịch vụ đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của SX, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình liên kết hiệu quả của 1 HTX
Sau 7 năm hoạt động, HTX Hoa Phong, TX Đông Triều (Quảng Ninh) đã trở thành hình mẫu SXNN điển hình toàn quốc. Ra đời năm 2010 và đến tháng 5/2015 đã chuyển đổi xong hoạt động theo Luật HTX 2012, Hoa Phong đã nâng số thành viên từ 7 lên 12 cá nhân và hộ gia đình.
Mô hình trồng dưa của HTX Hoa Phong
Theo bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX, với quyết tâm xây dựng mô hình SX rau củ quả có quy mô hàng hóa, suốt 3 năm đầu tiên (2010 - 2013), HTX kiên trì từng bước thuê lại 13,9 ha đất nông nghiệp của 165 hộ nông dân tại phường Xuân Sơn (TX Đông Triều), từ đó đầu tư tạo dựng cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGap và bảo đảm truy gốc xuất xứ mọi sản phẩm rau củ quả.
Mô hình liên kết HTX với nông dân của Hoa Phong đang tỏ rõ hiệu quả khi các hộ có ruộng cùng xứ đồng cùng ký hợp đồng cho HTX thuê lại đất. HTX vừa trả sòng phẳng giá thuê ruộng mỗi năm 100 kg thóc/sào, vừa thu hút hàng trăm bà con trở lại làm việc ngay trên xứ đồng đó. Đáng quý, có nhiều lão nông cao niên 60 - 70 tuổi, mức trả công ổn định mỗi ngày trên 100.000 đồng/người.
Khoảng 4 năm trở lại đây (2014 - 2017), HTX tham gia Chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” của UBND tỉnh Quảng Ninh, mạnh dạn đầu tư xây dựng Trung tâm giao dịch giới thiệu sản phẩm rộng 800 m2 và đặt ngay tại chợ Cột, một trung tâm chợ truyền thống của TX Đông Triều. Đây là cơ sở giúp HTX tập trung mở rộng mối liên kết với các hộ nông dân cùng phát triển quy mô vùng SX và ký hợp đồng cung cấp gạo, rau củ quả sạch cho các doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài TX.
Ba năm gần đây, mỗi tháng HTX Hoa Phong cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn nông sản thực phẩm, tổng quy mô sản phẩm (lương thực, thực phẩm) được tiêu thụ lên tới 1.320 - 1.750 tấn mỗi năm. Bây giờ, HTX đầu tư xây dựng trung tâm và đã giải quyết xong mối lo ngại về công tác sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch. Hiện HTX này đang trăn trở nhất là bài toán mở rộng thị trường. HTX đang xúc tiến mở các vệ tinh và cửa hàng tiêu thụ khắp nơi, trọng tâm “phủ sóng” trước hết là tỉnh Quảng Ninh và vươn mạnh tới Hà Nội. HTX đã khởi động hướng liên kết đưa sản phẩm lên thị trường Thủ đô qua chuỗi cửa hàng Bác Tôm.
|
Gần đây nhất, HTX đầu tư xây dựng trụ sở bề thế hơn trên diện tích 1.000 m2 và 5.000 m2 khuôn viên khu “hậu cứ” bảo quản nông sản chất lượng cao, với đầy đủ nhà xưởng, máy móc thiết bị, hầm sấy, kho lạnh, nhà sơ chế và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Năm 2016, HTX có tổng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động 16 tỷ đồng, đạt tổng doanh thu trên 25 tỷ đồng, tăng trưởng 30%, nộp ngân sách 340 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế gần 600 triệu đồng.
Sau 7 năm hoạt động, HTX Hoa Phong đã trở thành mẫu hình sản xuất nông nghiệp điển hình toàn quốc. Cá nhân Giám đốc HTX Lê Thị Thà cũng vinh dự được tôn vinh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016” và danh hiệu Sao Thần Nông năm 2016.
Thành công của Mộc Châu Milk
Bộ NN-PTNT vừa trao giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” và danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông” cho Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) như một sự ghi nhận những đóng góp lớn của đơn vị này cho ngành trong nhiều năm qua.
Đây là giải thưởng cao quý duy nhất của Bộ NN-PTNT nhằm biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có những sản phẩm chất lượng cao và đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.
Mộc Châu Milk đứng vững và phát triển mạnh, chính là dựa vào mô hình khoán hộ và liên kết bền vững giữa DN và các hộ chăn nuôi bò sữa. Đây cũng là mô hình được xem là thành công nhất trong chăn nuôi bò sữa theo nông hộ ở Việt Nam.
Hiện quy mô các hộ ở Mộc Châu trung bình 32 con bò/trại và liên tục được mở rộng. Thậm chí, có nhiều trang trại quy mô gần 200 con. Tổng đàn bò sữa tại Mộc Châu hiện lên tới 18.000 con, cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn sữa/ngày. Tất cả các trang trại chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn VietGap.
Trong SXNN nói chung và chăn nuôi nói riêng, điều đáng ngại nhất vẫn là rủi ro. Vì thế, Mộc Châu Milk đã tính “đường dài”, khi tiên phong thực hiện và triển khai thành công các chương trình bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa hơn 10 năm nay.
Tại Mộc Châu, nông dân chỉ cần đóng đóng 600 nghìn đồng/năm tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng; bò thải loại được đền bù 10 triệu đồng. Số tiền đó, cộng với tiền bán thịt bò khoảng 8 triệu đồng, sẽ đủ mua một con bê thay thế. Ngoài ra, với chính sách bảo hiểm giá sữa, nông dân chỉ cần đóng 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá quá thấp, sẽ được trợ giá 60% số tiền chênh lệch.
Bò sữa nông hộ phát triển mạnh tại Mộc Châu
Mộc Châu sẽ nâng tổng đàn từ 18.000 lên khoảng 35.000 con bò sữa trong thời gian tới. Ngoài ra, DN cũng xác định phải càng ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm bán ra thị trường.
DN khẳng định vai trò đầu tàu
Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, trong gần 5 năm giai đoạn I, tổng mức vốn huy động cho xây dựng NTM trên cả nước đạt 851.854 tỷ đồng, trong đó vốn các DN hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng NTM đạt 4,9% (tương đương 20.408 tỷ đồng).
Có những DN nhỏ như DN Long Bình (tỉnh Long An) hàng năm tiêu thụ nông sản cho nông dân tới 150 tỷ đồng, tài trợ đến 52 tỷ đồng trực tiếp cho địa phương xây dựng NTM. DN Phan Hải ở vùng quê nghèo Quảng Bình đã tài trợ 70 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng NTM ở địa phương...
Năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM đã tổ chức trọng thể lễ tôn vinh DN, doanh nhân có đóng góp tiêu biểu cho xây dựng NTM.
Tại lễ tôn vinh đó, chỉ tính những DN có tiêu thụ nông sản lớn cho nông dân, tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động địa phương, đóng góp trên 10 tỷ đồng, các doanh nhân có đóng góp trên 1 tỷ đồng trực tiếp cho NTM thì cả nước đã có 65 DN, 31 doanh nhân được Thủ tướng tặng bằng khen. Tiếp bước kết quả Giai đoạn I, từ năm 2016 đến nay, các DN, HTX vẫn tiếp tục đóng góp rất tích cực vào kết quả chung xây dựng NTM trên cả nước.
Có thể nói, để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo việc làm với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển hạ tầng, làm đẹp cảnh quan nông thôn… là mục tiêu, đồng thời là nội dung chủ yếu của chương trình NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì khẳng định phải có vai trò đầu tàu của DN.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo: “Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của Bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương”. Hiện tại, các nội dung này không chỉ đang được các Bộ, ngành Trung ương triển khai mà các địa phương trên cả nước cũng đang thực hiện tích cực.
Đây là môi trường mới, kỳ vọng sẽ đưa đến những cơ hội mới để các DN, doanh nhân đầu tư đầu tư, đóng góp hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của nước ta trong giai đoạn tới.
Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện, cả nước đã có 2.853 xã (31,96%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó đã có 295 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 493 xã (5,52%) so với cuối năm 2016.
Đồng thời, cả nước có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, TP đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 11 huyện so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, có ít nhất 42 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
|