Gà đồi Yên Thế đang được thị trường ưa chuộng do chất lượng và an toàn thực phẩm.
Nông dân tăng đàn phục vụ tết
Gia đình ông Vương Văn Hồng ở bản Đồng Chinh, xã Tam Tiến, vừa bán 1.000 con gà với giá hơn 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 45 triệu đồng. Hiện ông Hồng đang tập trung chăm sóc lứa 3.000 con gà nữa sắp xuất chuồng.
Để chuẩn bị cho dịp tết năm nay, bên cạnh tái đàn, ông Hồng tăng thêm 1.500 con gà giống. Với kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm, ông Hồng cho biết: “Để có đàn gà khỏe mạnh, mã đẹp phục vụ tết, gia đình tôi tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gà. Mỗi lứa nuôi 110 ngày và giảm 30% lượng cám công nghiệp để bổ sung lượng thức ăn khác như bắp, rau, lúa... sau khi gà được 30 ngày tuổi để thịt chắc, thơm ngon”.
Ông Hồng cho rằng, phải chủ động tiêm vacxin phòng bệnh cho gà, bởi chúng rất nhạy cảm với dịch bệnh. Khi phát hiện một con bị rù, cần tách đàn, kiểm tra chuồng nuôi và mổ con gà chết xem bị bệnh gì để cho đàn gà uống đúng thuốc, liều lượng, không chủ quan ngay cả khi chăn nuôi nhỏ vài ba chục con. Dịp tết mọi năm, chỉ sau khoảng 1 tuần gia đình ông đã bán hết đàn gà trên 3.000 con, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Cũng theo xu hướng tăng đàn trong dịp tết, hộ chị Lục Thị Quý ở bản Hố Tre cũng đang tập trung chăm sóc cho lứa gà mới. Chị Quý cho biết: “Một năm tôi nuôi 3 lứa gà, bình quân 1.000 - 1.500 con/lứa. Nhờ thu nhập từ gà tôi có điều kiện cho các con ăn học. Chăn nuôi thường xuyên, lứa lãi bù lứa lỗ. Vừa qua tôi xuất chuồng hơn 1.000 con đúng vào thời điểm gà lông ở mức 85 nghìn đồng/kg, lãi 50 triệu đồng”.
Chị Quý cho biết, gà đồi Yên Thế là giống gà được nhiều người tiêu dùng ưa thích vì thịt dai và thơm ngon. Thông thường gà nuôi khoảng 3 - 3,5 tháng là có thể xuất bán. Nếu chăm sóc tốt, gà có thể đạt trọng lượng hơn 2 kg/con, giá bán khoảng 60.000 đồng/kg là người nuôi có lãi; những dịp cao điểm như lễ, tết, giá tăng cao hơn 80.000 đồng/kg.
Thức ăn chủ yếu là lúa và một số phụ phẩm, đồng thời nên trộn thuốc ngừa bệnh trong thức ăn để bảo vệ đàn gà; cần cung cấp thêm cỏ non để bổ sung dinh dưỡng cho gà. “Tôi tăng đàn do cả năm qua, giá gà luôn giữ mức ổn định, người nuôi có lãi. Năm nay, giá gà luôn ở mức ổn định khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con gà bán ra người nuôi có lãi từ 18.000 - 25.000 đồng”, chị Quý nói.
Theo UBND xã Tam Tiến, đến nay xã có 300 hộ nuôi gà với số lượng từ 500 - 3.000 con/lứa, tập trung ở bản Rừng Dài, Đồng Chinh, Hố Tre, Thị Cùng. Ông Đàm Công Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Tiến nói: “Nhờ chăn nuôi gà, đời sống của người dân trong xã thay đổi rõ rệt. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 14,67%, giảm 3% so với năm 2013”.
Các xã Canh Nậu, Xuân Lương, Đồng Tâm… của huyện Yên Thế cũng có hàng trăm hộ giàu lên từ nuôi gà. Trò chuyện với anh Dương Phương Sáu ở thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm được biết, trước đây thu nhập của gia đình anh chỉ trông vào mấy sào ruộng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2009 đến nay, nhờ có đồi bãi rộng, anh chăn nuôi từ 2 - 3 nghìn con gà mỗi lứa.
Chỉ vào ngôi nhà khang trang, anh cho hay: “Nếu không nuôi gà thì chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới có cơ ngơi này. Nuôi gà nếu thuận lợi thì chỉ sau 3 tháng cứ 1.000 con lãi từ 30 - 35 triệu đồng”.
SX an toàn theo chuỗi
Ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, kết thúc năm 2016, tổng đàn gà của huyện là 4 triệu con. Có gần 3 nghìn hộ nuôi quy mô từ 500 con trở lên. Cá biệt đã có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm.
Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm; một số hộ chăn nuôi thuận lợi đã thu về 150 - 200 triệu đồng/năm. Qua đó, đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thăm gian hàng chế biến gà Yên Thế.
Trong quá trình SX, huyện Yên Thế đã tích cực chỉ đạo chuẩn hóa quá trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và đảm bảo ATTP của sản phẩm khi xuất bán.
Trong vài năm gần đây, thay vì chăn nuôi tự phát, mạnh ai người ấy làm, các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Yên Thế đã bước đầu thực hiện liên kết để SX tiêu thụ. Các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX được hình thành. Toàn bộ các quy trình chăm sóc cũng được ghi chép đầy đủ, theo dõi chặt chẽ và giám sát lẫn nhau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng đàn gà đồi Yên Thế. Theo đó, tập trung xây dựng các mô hình SX theo chuỗi, tổ chức lại SX theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ (hộ gia đình) sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn (HTX, tổ hợp tác, DN), tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh, hướng tới xây dựng mã định danh sản phẩm để truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, địa phương đa dạng về giống theo hai hướng tăng trọng lượng và nâng chất lượng gà thịt, xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn dựa trên lợi thế về nguồn thức ăn sẵn có của địa phương; tăng cường tập huấn, hướng dẫn quy trình chuẩn cho các hộ chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế...
“Tỉnh đã đề nghị Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tập trung chọn tạo giống gà mang đặc trưng gà đồi Yên Thế phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, theo hai hướng là tăng trọng lượng và nâng chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện của người chăn nuôi”, ông Thái cho hay.
Hàng năm, giá trị SX từ chăn nuôi gà đồi Yên Thế đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng. Huyện có 10 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT. Sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” nằm trong danh sách “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á”; danh hiệu “Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013”, top 50 “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2014”, top 10 “Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2015” do Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế, Tạp chí Sở hữu trí tuệ, sáng tạo và Bộ KH-CN trao tặng.
|