Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì, hầu hết lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp phát biểu đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ngành nông nghiệp trong năm qua.
Có một đánh giá chung được các đại biểu ghi nhận về sự nỗ lực rất lớn của bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua đã vượt qua bão bùng, sương gió để góp thành tích chung cho toàn ngành. Trong đó phải kể đến thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng được mở rộng, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 37 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 13% so với năm 2016. Nhiều mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh như rau quả tăng trên 40%, cao su tăng trên 35%, tôm tăng 22%...
Năm qua Bộ cũng triển khai chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 hội nghị, diễn đàn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, qua đó thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này.
Một số địa phương phát biểu tại hội nghị cho biết, đang tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những giống cây, con, thời tiết khí hậu mang tính lợi thế, tạo sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương cơ cấu nông nghiệp rất thành công, trong đó có mô hình “hội quán nông dân”, cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu thì cần phải chú trọng đến thị trường trong nước, bởi thực tế ngày càng nhiều hàng hóa nông sản được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Do đó cần phải tạo lòng tin của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm nông sản do trong nước sản xuất.
Dù cho biết vai trò của hợp tác xã là rất quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, nhưng theo ông Lê Minh Hoan, việc thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia là chưa hiệu quả. Cách thức truyền đạt nghiệp vụ, chuyên môn cho nông dân mang tính lý thuyết và hàn lâm, dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt giữa loại hình hợp tác xã như dịch vụ, sản xuất, thương mại… để có sự hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân tham gia hợp tác xã một cách phù hợp. Quan điểm của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là không được đánh đồng các loại hình HTX.
Ông Hoan cho rằng, phải tách bạch nó ra, HTXNN nó khác với loại hình HTXDVTM. Phải sòng phẳng như thế để có cơ chế, chính sách thu hút người dân vào HTXNN mà quy tụ sản xuất theo chuỗi, làm ra sản phẩm thương hiệu.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề nghị không đánh đồng các loại hình Hợp tác xã
Báo cáo trước Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, là tỉnh còn khó khăn, thoát khỏi chiến tranh muộn nhất cả nước. Song nhờ biết tận dụng lợi thế của 3 vùng sinh thái nên những năm gần đây, SXNN ở địa phương đã có chuyển biến rõ nét, đời sống người dân được nâng lên.
Theo ông Vinh, căn cứ vào 3 vùng sinh thái, tỉnh có chính sách cho mỗi vùng. Cụ thể, vùng núi đá phía bắc tập trung phát triển chăn nuôi, chủ yếu nuôi bò. Vùng núi đất phía tây tập trung cho cây chè. Đã có một số tập đoàn vào đầu tư phát triển. Vùng núi thấp phía nam chủ yếu là cây ăn quả, trọng điểm là cam.
Từ làm ăn nhỏ lẻ, canh tác lạc hậu, đến nay Hà Giang đã tổ chức lại sản xuất, hình thành nên các tổ hợp tác xã, tổ tự quản, tổ sản xuất thôn; hình thành các trang trại, gia trại; đẩy mạnh các hoạt động SXKD. Sử dụng nhà lưới để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã liên kết với các đơn vị khoa học thuộc Bộ, các trường Đại học có chuyên môn để cùng tìm ra hướng phát triển tích cực cho đồng bào miền núi.
Qua cách làm, Hà Giang đã hình thành hai đơn vị phát triển dược liệu. Đã có 8 sản phẩm được công nhận và 21 sản phẩm cây dược liệu của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành thay đổi cách tiếp cận cây dược liệu. Thứ hai là thay đổi quy hoạch, cho Hà Giang quy hoạch cây dược liệu theo vùng sinh thái. Đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát lại các văn bản, xem xét cho Hà Giang được trồng các loại cây dược liệu dưới rừng phát tán, rừng phòng hộ. Đề nghị cho Hà Giang xây dựng một đề án cây dược liệu để bảo tồn và phát triển.
“Hiện có các tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp sạch, VietGAP… đề nghị không cào bằng cho các vùng. Việc này nên xem vùng nào thuận cho hữu cơ thì quy hoạch, công nhận cho sản xuất hữu cơ; vùng nào thuận cho VietGAP thì quy hoạch, công nhận cho sản xuất VietGAP”, ông Vinh kiến nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương về mặt thủ tục để các nhà đầu tư vào Việt Nam cung ứng nguồn giống; có chính sách quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng, địa phương đến các nước.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục trưởng Cục BTVT phải có trách nhiệm làm việc cụ thể với Lâm Đồng để giải quyết dứt điểm kiến nghị này, tinh thần là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất, cung ứng nguồn giống.
|