Ngưỡng mộ mô hình cam Canh trên đất Lâm Đồng, thu hơn tỷ đồng/năm (24/01/2018)

Nhờ mạnh dạn đưa cây cam đường Canh vào canh tác trên vùng đất đỏ bazan, áp dụng KHKT trong quá trình canh tác, nông dân xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) có thu nhập hàng tỷ đồng.


Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Trái cây Bốn Mùa

Cử nhân lịch sử rẽ lối làm nông

Ghé thăm xã Đan Phượng những ngày cận tết Nguyên đán, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đồi cam, quýt bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch.

Nổi tiếng nhất xứ này có lẽ là “vua cam” Trần Mạnh Chiến (thôn Nhân Hòa). Lấy bằng đại học chuyên ngành lịch sử, anh Chiến (32 tuổi) ở lại TP.HCM làm việc một thời gian rồi theo học thạc sĩ ngành châu Á học. Học xong, anh Chiến rẽ ngang lối trở về quê trồng cam Canh.

Anh Chiến kể, trước đây nguồn kinh tế chính của gia đình đều dựa hết vào vườn cà phê rộng hơn 5ha. Khi mới cho thu hoạch, vườn cà phê đạt năng suất khá cao, 4 tấn nhân/ha, giúp gia đình anh có điều kiện trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhưng khi qua tuổi thứ 10, cây dần kém hiệu quả, năng suất bấp bênh, giá cả cũng không ổn định.

Vốn là con nhà nông, khi đang học đại học ở TP.HCM, anh thường xuyên vào mạng internet tìm hiểu các mô hình làm kinh tế giỏi. Nhờ vậy anh biết đến cây cam Canh. Thấy người ta nói nhiều về “cam Canh, bưởi Diễn” nên anh càng tìm hiểu và biết được nhiều người làm giàu loài cây này.

“Ôm mộng” với cây cam tiến vua, năm 2010 anh về Hưng Yên mua 1.500 cây giống trồng xen cà phê trong vườn nhà. Vừa “chạy ra, chạy vào” giữa quê và TP.HCM để vừa lấy bằng thạc sĩ, vừa xây dựng vườn cam cho gia đình.

Được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, vườn cam của anh Chiến lớn nhanh và 3 năm thì cho thu hoạch quả. “Lứa đầu tiên, 400 cây cam cho quả, thu được 7 tấn, bán được giá cao, nên dần dần phá hết vườn cà phê để trồng cam canh đạt diện tích 4ha. Đặc biệt, do cây cam Canh chỉ cho thu hoạch vào dịp tháng 11, 12 âm lịch nên tôi tìm hiểu, nghiên cứu, can thiệp kỹ thuật và cuối cùng cũng “bắt” được cây cho quả quanh năm”, anh Chiến cho hay.

Cũng theo anh Chiến, mỗi ha cam đường của anh có 1.000 cây cho thu quả với sản lượng bình quân đạt 30 kg/cây, thậm chí có cây đạt 60 - 70kg quả, tính ra trung bình đạt khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 45.000 đồng/kg, doanh thu mang lại hơn 1,3 tỷ đồng/ha/năm.


Sản phẩm trái cây của HTX Bốn Mùa được dán tem truy xuất nguồn gốc

Liên kết sản xuất

Liên tiếp thắng lớn, mô hình cam Canh của anh Chiến được nhiều sự quan tâm, đã có hàng trăm lượt nông dân trong vùng tìm đến học tập để về áp dụng. Anh Chiến cũng không ngần ngại chia sẻ thành công lẫn bí quyết với người khác để họ có thể phát triển kinh tế gia đình. Bởi vậy, chỉ sau vài năm từ một mô hình đơn lẻ, toàn xã Đan Phượng đã hình thành nên một vùng chuyên canh cam Canh rộng lớn với quy mô lên đến 50ha. Một thủ phủ cam ngay trên mảnh đất cà phê Lâm Hà đang dần hình thành và không ngừng mở rộng.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian anh Chiến nhận thấy nếu không chấn chỉnh lại quy trình sản xuất và chú trọng liên kết thì người nông dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Tình trạng mạnh ai nấy làm, cảnh thương lái thường tìm cơ hội ép giá để đạt lợi nhuận cao nhất, trong khi người dân chỉ mong bán được sản phẩm và đảm bảo giá trị ngày công là điều không thể tránh khỏi...

Năm 2015, anh Chiến tiên phong nghiên cứu và đầu tư lại vườn cam theo quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Tháng 2/2016, toàn bộ diện tích cam Canh 4ha của anh đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đến tháng 11/2016, HTX với tên gọi Bốn Mùa được thành lập có 7 thành viên tham gia, diện tích SX 50ha trong đó có 36,7ha đạt chuẩn VietGAP. 




Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Trái cây Bốn Mùa

Tham gia vào HTX, những thành viên và hộ dân liên kết phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của HĐQT, sự hướng dẫn của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của Ban Kiểm soát môi trường của HTX. Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn và yêu cầu của VietGAP, có sổ theo dõi rõ ràng, cách viết nhật ký theo quy trình, vẽ sơ đồ nhà vườn. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV, thời gian cách ly đảm bảo không tồn dư lượng thuốc sau thu hoạch.

Kể từ khi HTX được thành lập, sản phẩm cam của nông dân được nhiều đơn vị bao tiêu thu mua với giá cao và ổn định. Phần lớn sản phẩm được bán về các chuỗi cửa hàng trái cây ở TP.HCM. Ngoài ra HTX cũng đang xúc tiến cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị Coop Mart.

Bắt đầu từ vụ thu hoạch tết năm nay, toàn bộ sản lượng cam, bưởi, sầu riêng, xoài… của HTX đưa ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, rõ nơi sản xuất, thậm chí đến từng hộ, trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất, ngày sản xuất, video... bón phân, sử dụng thuốc BVTV.

Không giấu vẻ tự hào, anh Chiến cho hay: “HTX được chứng nhận VietGAP là niềm vinh dự cho toàn thể thành viên. Đây là cơ hội cho trái cây Đan Phượng khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng của người tiêu dùng...”.

Ông Nguyễn Minh Toản, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, HTX Trái cây Bốn Mùa dù mới thành lập nhưng xứng đáng là HTX kiểu mẫu. Hiệu quả HTX mang lại rất lớn, là cầu nối tiêu thụ trái cây của nông dân, giúp Đan Phượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên trồng trái cây của huyện.

Theo THANH SA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 159
Tổng truy cập: 39389042