Công nghệ nuôi thủy sản là yếu tố then chốt (05/02/2018)

Năm 2017, dù gặp bất lợi, khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hàng rào kỹ thuật, thuế quan của các nước, song ngành thủy sản vẫn thắng lợi lớn: Kim ngạch XK đạt trên 8,3 tỷ USD.


Ông Kim Văn Tiêu

Đóng góp vào thành công trên phải kể đến hệ thống khuyến ngư. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, nhân rộng... NNVN có cuộc trao đổi với ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về vấn đề này.  

Bám sát tái cơ cấu ngành

Thưa ông, năm qua hệ thống khuyến nông tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên "4 con 1 cây" trong lĩnh vực khuyến ngư. Ông có thể cho biết chi tiết về chủ trương này?

Năm qua thủy sản VN đạt kim ngạch XK lớn chưa từng có khi cán mốc trên 8,3 tỷ USD, trong đó tôm đạt trên 3,8 tỷ USD (tăng trưởng 21%), cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD; đặc biệt mực, bạch tuộc cũng đạt 620 triệu USD (tăng gần 40% so với năm khác), cá ngừ cũng tăng trưởng rất tốt. Đạt được thành tựu to lớn đó, có một vai trò rất quan trọng của công tác khuyến ngư.

Năm 2017, Trung tâm KNQG tham gia tích cực vào chương tình tái cơ cấu ngành của Bộ NN-PTNT. Trong đó, chúng tôi tập trung vào "4 con 1 cây", gồm con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và cây rong biển.

Cụ thể, trong năm 2017 khuyến nông đã tham gia 7 dự án, trong đó có 3 dự án về tôm. Đầu tiên là dự án nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt năng suất trên 10 tấn/ha; Dự án thứ 2 nuôi tôm sú an toàn vệ sinh thực phẩm đạt năng suất trung bình trên 2 tấn/ha; Dự án thứ 3 nuôi tôm càng xanh lúa cũng mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại miền Bắc, chúng tôi triển khai Dự án nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm và một phần nhỏ dành cho xuất khẩu.

Về thủy sản nước ngọt, chúng tôi còn triển khai Dự án nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn, song có tiềm năng lớn về mặt nước để nâng cao đời sống cho bà con xung quanh lòng hồ. Dự án được nhân dân, chính quyền địa phương đánh giá rất cao khi chọn các sản phẩm đang có đầu ra rất tốt trên thị trường hiện nay để xây dựng mô hình, chuyển giao như cá lăng, cá tầm, cá diêu hồng...

Về ngư nghiệp, chúng tôi tham gia Dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác đánh bắt cá xa bờ.

Thưa ông, xu hướng hiện nay trong tái cơ cấu ngành là áp dụng công nghệ cao để quản lí vận hành theo chuỗi, vậy công tác khuyến ngư có tập trung vào lĩnh vực này?

Để khắc phục khó khăn hiện tại của ngành thủy sản, ví dụ như khâu giống còn chưa cao, khâu liên kết thị trường còn lỏng lẻo thiếu bền vững, chúng tôi ưu tiên số 1 là tập trung vào an toàn thực phẩm. Tiếp đến là phải liên kết với thị trường, doanh nghiệp theo chuỗi từ khâu giống, nuôi trồng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến chế biến, tiêu thụ.

"Trung tâm KNQG sẵn sàng đầu tư những diễn đàn, hội thảo tuyên truyền liên tỉnh, liên vùng cho các mô hình hiệu quả. Làm sao để "1 người làm, 1.000 người biết, 100 người làm theo". Bà con nông dân, đối tác được tham quan thực tế tại mô hình nên hiệu quả mang lại rất thiết thực", ông Kim Văn Tiêu.

Hiện chúng tôi có chủ trương, nếu doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con, hệ thống khuyến nông, khuyến ngư sẵn sàng sử dụng ngân sách của khuyến nông đứng ra tập huấn cho nông dân theo đúng quy trình của doanh nghiệp mong muốn. Mục tiêu là làm sao để nông dân nuôi đúng theo quy trình của doanh nghiệp để họ bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Một vấn đề khá lo lắng là thủy sản VN bị EU phạt thẻ vàng. Hệ thống khuyến nông có nhiệm vụ gì giúp Bộ NN-PTNT trong việc định hướng, tuyên truyền bà con ngư dân?

EU phạt thẻ vàng mới chỉ ảnh hưởng tới việc khai thác, còn lĩnh vực nuôi trồng hầu như chưa bị ảnh hưởng. Trong lĩnh vực khai thác, Bộ NN-PTNT đã thực hiện rất nhiều giải pháp, biện pháp để tuyên truyền về thẻ vàng của EU. Riêng trong lĩnh vực khuyến ngư, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị để phổ biến cho ngư dân tuân thủ quy định của EU.

Thứ nhất, tuyên truyền ngư dân không đánh bắt bất hợp pháp. Thứ hai, phải có nhật ký hành trình, hải trình từ cảng tới ngư trường khai thác, rồi về cảng phải khai báo. Đặc biệt, chúng ta không xâm phạm đánh bắt vào vùng lãnh hải của nước khác. Qua các buổi tuyên truyền, các diễn đàn chúng tôi tổ chức, ngư dân biết được tác hại của việc bị thẻ vàng của EU nó tác động đến chính họ như thế nào. 

Tập trung giống và công nghệ

Mặc dù năm qua đạt được kết quả to lớn, song thực tế cho thấy ngành thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là công đoạn giống. Khuyến nông có cách nào khỏa lấp hạn chế trên?

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong ngành thủy sản là con giống. Điển hình con tôm - sản phẩm chủ lực của quốc gia, nhưng con giống bố mẹ vẫn rất yếu và thiếu. Riêng tôm thẻ chân trắng chúng ta phải nhập tới 200.000 - 250.000 con tôm bố mẹ, chiếm 80 - 90%.


Mô hình nuôi tôm CNC của Tập đoàn Việt Úc tại Bạc Liêu

Trong nước mới chỉ có hai đơn vị đang làm được giống tôm thẻ bố mẹ là Viện Nghiên cứu NTTS 3 và Tập đoàn Việt Úc, song chỉ cung ứng được 10 - 20% nhu cầu. Không chỉ giống tôm mà ngay cả giống thủy sản, ngoài giống cá tra, cá basa thì các giống cá nước ngọt, nước lạnh, nước mặn vẫn còn rất yếu, chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu.

Nhà nước cần tập trung hỗ trợ đầu tư để chúng ta phải tự chủ và SX được giống bố mẹ trong nước càng sớm càng tốt để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Trước mắt, giống cần phải sạch bệnh, sau hướng tới việc kháng bệnh, chất lượng tốt mới đáp ứng đủ tốc độ phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Ngoài ưu tiên đầu tư phát triển tự chủ con giống, nhà nước kể cả Khuyến nông chúng tôi cần tập trung hỗ trợ, nhân rộng, phổ biến mô hình công nghệ cao nuôi thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, hạ giá thành và quản lý an toàn thực phẩm.

Đơn cử như mô hình sông trong ao nuôi cá rô phi VietGAP tại HTX Hòa Phong (Mỹ Hào, Hưng Yên). Chỉ cần diện tích 10ha, HTX Hòa Phong SX ra được tới 800 tấn cá, trong khi trước đây 1ha cùng lắm chỉ nuôi được 25 - 30 tấn.

Hay một mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu. Nếu như trước đây phải 1ha mới thu được 120 tấn tôm, nay chỉ cần 2.000m2 cũng đạt năng suất 120 - 150 tấn. Hơn nữa, 8.000m2 mặt ao còn lại họ dùng làm bể lọc, bể lắng, bể chứa để môi trường nước không bị ô nhiễm, chi phí nhân công vận hành, hao hụt thức ăn giảm đi rất nhiều. Trong khi chi phí đầu tư cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao như trên cũng chỉ khoảng 1 tỷ đồng mà tự động hóa hoàn toàn bằng cảm biến, phần mềm tự động.

Để làm được vấn đề này, bà con nông dân buộc phải liên kết thành HTX thôi chứ không thể SX hàng hóa bằng thói quen phương thức nhỏ lẻ, manh mún, tự túc, tự phát. Bây giờ công nghệ cao mới là then chốt chứ không phải là cần nhiều diện tích đất đai, mặt nước như trước nữa.

Xin cảm ơn ông!

Theo NGUYÊN HUÂN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 160
Tổng truy cập: 39349354