Thừa Thiên - Huế: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với xây dựng NTM (06/02/2018)

Ông Hồ Sĩ Nguyên, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt được nhiều thành tựu, các lĩnh vực SX nông nghiệp có tăng trưởng...

Mục tiêu đến năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên 3,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt từ 31 - 32 vạn tấn/năm;  thủy sản đạt 73 ngàn tấn/năm, tỷ lệ che phủ rừng 57%, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng 1,6 - 1,9 lần so với năm 2016.


Mô hình trồng rau công nghệ cao ở tỉnh TP Huế

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh đã hình thành 14,5 nghìn ha vùng chuyên canh SX lúa chất lượng cao (chiếm 26,5%), chuyển khoảng 1 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, hoa màu có giá trị kinh tế, gần 4 nghìn ha vùng trồng lúa hàng hóa theo cánh đồng mẫu lớn.

Các mô hình trồng rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP đã cơ bản đáp ứng nguồn rau an toàn trên địa bàn như Quảng Thọ, Quảng Thành (Quảng Điền), hành lá Hương An (Hương Trà), rau nhà kính ở TP Huế…

Về chăn nuôi gia trại, trang trại hoạt động ổn định, trong đó có 63 trang trại chăn nuôi cho doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên. Giai đoạn 2013 - 2017, toàn tỉnh trồng được gần 25 nghìn ha rừng tập trung, chăm sóc trên 68 nghìn ha rừng, triển khai trên 6 nghìn ha rừng gỗ lớn…

Nuôi trồng và khai thác thủy hải sản đã phục hồi và phát triển sau sự cố môi trường biển, trong đó tập trung phát triển tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản.  

Ông Hồ Sĩ Nguyên, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt được nhiều thành tựu, các lĩnh vực SX nông nghiệp có tăng trưởng. Chưa hết, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP chưa được coi trọng, tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác trong SX nông nghiệp, các hình thức liên kết SX còn hạn chế, thiếu cơ chế ràng buộc. Nông thôn chuyển biến nhưng so mặt bằng chung thì còn nghèo và phát triển chậm, thu nhập người dân thấp và thiếu bền vững nên dễ tái nghèo, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đề án tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh TT-Huế, mục tiêu đề ra đến năm 2020 là đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt từ 31 - 32 vạn tấn/năm (trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt từ 8 -10 vạn tấn/năm); sản lượng thủy sản đạt 73 ngàn tấn/năm; tỷ lệ độ che phủ rừng 57%; thu nhập tăng 1,6 - 1,9 lần so với năm 2016.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành NN-PTNT tỉnh cần xác định cụ thể các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực để tập trung phát triển, khai thác đúng lợi thế và nâng giá trị gia tăng cho các nông sản có thương hiệu. Phải tổ chức lại SX theo phương châm doanh nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp gắn với liên kết hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư nhằm tạo ra quy mô sản phẩm lớn, giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp bền vững đòi hỏi nguồn lực khá lớn, trong khi đó nguồn lực hỗ trợ của Trung ương hạn chế, nguồn lực đầu tư từ ngân sách địa phương còn khó khăn, vì vậy không có cách nào khác là cần phải thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Theo TIẾN THÀNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 178
Tổng truy cập: 39349354