Cà dừa được mùa, giá cả ổn định, dân đi hái như trẩy hội (13/03/2018)

Những ngày qua, nông dân xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phấn khởi bước vào vụ thu hoạch cà dừa mới. Với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, nhiều gia đình thu về hàng chục triệu đồng.

Những ngày qua, nông dân xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) phấn khởi bước vào vụ thu hoạch cà dừa mới. Với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, nhiều gia đình thu về hàng chục triệu đồng.


Người dân bán cà cho thương lái ngay tại chân ruộng

Cứ tầm khoảng 4 - 5 giờ chiều, cánh đồng Sơn Phú lại tấp nập người bán kẻ mua, những chiếc xe chở từng bao tải cà nối đuôi nhau tỏa đi khắp các vùng miền. Trước mắt chúng tôi là những cánh đồng cà xanh mướt, trải dài, những quả cà non, mập mạp chi chít dưới thân cây. Người dân phấn khởi thu mua từng giỏ cà đầy ắp đem bán cho thương lái ngay tại chân ruộng.

Dù đang là thời điểm đầu vụ nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Sơn Phú) đã thu về hơn 10 triệu đồng từ 3 sào cà. Ông Tiến vui mừng: “Năm nay gia đình tôi trồng 3 sào cà dừa cỏ, toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Cứ thu hoạch dần dần, quả nào to thì cắt bán trước, dự kiến đến hết vụ gia đình tôi có thể thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng. Tính ra lãi hơn trồng lúa rất nhiều lần và cũng không phải tốn nhiều công sức”.


Năm nay cà được mùa nên người dân rất phấn khởi

Trước đây, gần 3 sào ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên (thôn Sơn Phú) được trồng các giống rau màu như lạc, ngô thu nhập chẳng đáng là bao. Thấy giống cây cà dừa vừa dễ trồng lại hiệu quả kinh tế hơn nên bà quyết định chuyển toàn bộ diện tích sang trồng. Bà Nguyên phấn khởi: “Trong khi nhiều loại rau màu rớt giá thảm hại thì cà dừa cỏ Thượng Lộc vẫn giữ được mức giá ổn định từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, hơn nữa năm nào thương lái cũng đến tận ruộng thu mua, không phải lo đầu ra như những giống cây khác. Mỗi sào cà có thể cho thu hoạch từ 14 - 16 triệu đồng/vụ”.

Theo bà Nguyên, giống cà dừa cỏ Thượng Lộc quả không quá to có màu xanh xen lẫn những đường vân trắng rất bắt mắt, vị ngon ngọt nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc trồng cà dừa không vất vả như trồng giống cây rau màu khác mà giá bán lại cao và dễ bán hơn. Nhiều hôm thương lái đến đông, người dân không hái kịp để bán.


Cà dừa cỏ Thượng Lộc lành tính, ngon ngọt nên rất được ưa chuộng

Chị Trần Thị Hoa, một thương lái ở TP Hà Tĩnh cho biết, mỗi ngày chị thu mua cả tạ cà dừa vận chuyển về nhập ở thành phố, một số khách hàng ngoài Nghệ An cũng đặt mua với số lượng lớn. Giống cà cỏ ở Thượng Lộc rất được ưa chuộng, dễ bán, giá bán cũng cao hơn bởi vị ngọt, lành tính, không nồng mùi như những giống cà khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc chia sẻ: Trước đây, người dân trồng rau màu nhưng không hiệu quả, năm 2012, xã tiến hành trồng thí điểm 2ha cà dừa. Ngay lần thử nghiệm đầu tiên đã cho sai quả, cây cà rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên những mùa vụ sau người dân chuyển dần sang trồng giống cây này. Đến nay, toàn xã có 46ha cà dừa”.

Theo ông Diệu, mỗi năm cà dừa được sản xuất 2 vụ, vụ này là vụ chính bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 4 âm lịch, còn vụ trái được gieo trỉa từ tháng 9 đến tết. “Xã Thượng Lộc đang khảo sát, quy hoạch vùng trồng cà tập trung, đồng thời hỗ trợ người dân về kỹ thuật và giống. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện toàn bộ số lượng cà thu hoạch đều được thương lái đến tận ruộng thu mua nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Về lâu dài, khi diện tích cà mở rộng rất cần có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu đầu ra tránh tình trạng bị thương lái ép giá, người dân yên tâm sản xuất”, ông Diệu cho biết.


Mỗi sào cà dừa có thể cho thu nhập từ 14 - 16 triệu đồng


Tấp nập cảnh mua bán ngay tại ruộng

Theo TÂM ĐAN (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 143
Tổng truy cập: 39333740