Đại biểu tham quan các mô hình, dự án đã được triển khai xây dựng hiệu quả
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, các viện, trường và hơn 50 nông dân tiêu biểu trong tham gia, xây dựng các mô hình SX đạt hiệu quả.
Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chọn 10 nông sản chủ lực gắn với xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh, tập trung và đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm: Bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt Đông Thạnh, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, mía đường Casuco, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phương Phú và xoài Bảy Ngàn.
Trong đó, có nhiều sản phẩm SX hàng hóa lớn, như cây lúa diện tích 79.000 ha, sản lượng gần 1,3 triệu tấn/năm, cây mía 10.500ha, sản lượng 1,1 triệu tấn/năm, cây ăn quả gần 40.000ha, sản lượng 325 ngàn tấn/năm, thủy sản 10.000ha (cá tra 1.000ha), sản lượng 62.000 tấn/năm…
Theo ông Long, trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng các chương trình, đề án và dự án, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cao thu nhập cho nông dân. Tiêu biểu như Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Đến nay đã có 22/54 xã đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt trên 10 tiêu chí. Từ những chính sách, cách làm hỗ trợ, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng đáng kể, đạt 31 triệu đồng/người năm 2016 (so với mức gần 20 triệu đồng/người năm 2013).
Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến 2020, với 4 hợp phần chuyển đổi, trong đó tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất vay cho người dân để thực hiện chuyển đổi SX, nhằm nâng cao thu nhập.
Qua thời gian thực hiện đã chuyển đổi được 927ha vườn tạp, 590ha đất mía kém hiệu quả, 280ha lúa 3 vụ, chuyển đổi 1.211 hộ chăn nuôi heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, đem lại kết quả tích cực. Đây là giải pháp lâu dài, căn cơ để tái cơ cấu SXNN, thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.
Đề án cơ giới hóa SX lúa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012 - 2015, đã hỗ trợ đầu tư 99 máy gặt đập liên hợp nâng số lượng máy gặt đập liên hợp hiện có 363 máy, khả năng đáp ứng nhu cầu SX lúa toàn tỉnh 80%. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi theo tiêu chí xã NTM, tưới tiêu khoa học và chủ động phục vụ tái cơ cấu ngành thủy lợi và nông nghiệp. Đáp ứng được yêu cầu chống lũ, chống hạn, ngăn mặn, thời tiết cực đoan và những tác động của biến đổi khí hậu, giúp người dân giảm giá thành, tăng giá trị SX…
Tỉnh đã xây dựng thành công 5 cánh đồng lớn từ năm 2011 tại các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy với diện tích 1.997ha, được cơ giới hoá trong khâu làm đất, thu hoạch 100%.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động kêu gọi các DN trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình hợp tác, liên kết SX lúa gắn với tiêu thụ nông sản, với diện tích ký kết bao tiêu khoảng 10.000ha, góp phần mở rộng chuỗi giá trị SX với sự liên kết “4 nhà”, lợi nhuận tăng thêm của mô hình từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ.
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh được chọn tham gia 2 hợp phần, gồm: Phát triển lúa gạo bền vững và Quản lý dự án, giám sát, đánh giá.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tranh thủ nguồn vốn từ dự án VnSAT, tiếp tục xây dựng các mô hình SX lúa theo hướng cánh đồng lớn áp dụng các tiến bộ KHKT như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, thực hiện tốt liên kết 4 nhà, đẩy mạnh việc sử dụng các giống lúa mới chất lượng cao đạt tiêu chuẩn XK khoảng 80% trở lên; tận dụng nguồn rơm để chất nấm góp phần nâng cao thu nhập, ủ phân hữu cơ bón lại cho cây trồng.
Dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo (gọi tắt là dự án Heifer) với mục tiêu nhằm cải thiện về mặt vật chất và tinh thần của nông hộ tham gia, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Dự án đã hỗ trợ cho trên 300 hộ tham gia, mỗi hộ được hỗ trợ cho mượn 1 bò cái giống và chi phí làm chuồng trại.
Chương trình khí sinh học do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ, đã giúp khoảng 500 hộ dân làm công trình khí sinh học (biogas) góp phần giải quyết vấn đề chất thải trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo chất đốt trong gia đình, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả…
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang đánh giá, công tác xây dựng mô hình những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế là tính liên kết giữa các ngành, đơn vị chưa chặt chẽ, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, vốn đầu tư cho công tác khuyến nông, xây dựng mô hình còn hạn hẹp… Từ đó, làm cho công tác nhân rộng mô hình gặp khó khăn.
Định hướng phát triển, ông Đồng cho biết thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là con heo. Về trồng trọt thì cây mía sẽ quy hoạch lại, đầu tư giống mới, cơ giới hóa… với mục tiêu đến năm 2020 giá thành SX mía sẽ giảm xuống mức 500 đồng/kg. Cây lúa sẽ đi theo mô hình cánh đồng lớn SX bền vững, tạo mối liên kết chặt chẽ. Tỉnh sẽ tăng cường ký kết, hợp tác với các viện, trường trong lĩnh vực chọn tạo giống, chuyển giao các mô hình SX hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
|