Thực phẩm sạch 'lên ngôi' (05/04/2018)

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đến tháng 3/2018 trên địa bàn có 14 địa chỉ bày bán thực phẩm an toàn trên mục “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch”...

Trong xu thế mới, người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng sản phẩm hơn số lượng. Ý thức được điều đó, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo sát sao, tập trung xây dựng và phát triển nhiều mô hình chuỗi liên kết có giá trị, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP… 

Doanh nghiệp đầu tư lớn

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng chục DN chủ động đầu tư SX quy mô lớn theo hướng liên kết, hình thành chuỗi khép kín trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình là Cty CP Thực phẩm Phú Gia - ITC, Cty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh, Cty ITC-Food, Cty TNHH Thực phẩm sạch Đức Tần, Cty CP Chế biến súc sản XK Thanh Hóa...




Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm mô hình và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của HTX Đông Tiến

Theo ông Đỗ Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, các chuỗi liên kết được kiểm soát hết sức chặt chẽ, đơn vị tham gia phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong chuỗi này, DN có chức năng khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường để điều tiết SX, xây dựng phương án và nâng tầm thương hiệu. Người nông dân được đảm bảo quyền lợi, thu nhập tăng cao. Người tiêu dùng được tiêu thụ nguồn sản phẩm sạch, an toàn.

Có sự đấu mối chặt chẽ giữa các bên, mô hình bước đầu tạo được tiếng vang, được đông đảo người tiêu dùng hồ hởi đón nhận. Qua rà soát thực tế, hàng năm các đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 3.500 tấn thịt, 1.500 tấn rau quả, trên dưới 10 triệu quả trứng gia cầm cùng rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Thị trường tiêu thụ chính là các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, trường học, KKT Nghi Sơn và các KCN.

Nhận thấy được chuyển biến rõ rệt của mô hình mang lại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chính thức phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giai đoạn 2017 – 2020.

Riêng năm 2018, tỉnh đặt ra mục tiêu có 30% thực phẩm tiêu dùng trở lên được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết SX; trên địa bàn mỗi huyện đồng bằng, ven biển phải có ít nhất 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; KKT Nghi Sơn, các KCN, khu đô thị tập trung đông dân cư và mỗi huyện miền núi có ít nhất 2 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch… 

Điểm sáng Nguyễn Xuân Thiên

Nói đến SXKD thực phẩm sạch, ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến (huyện Đông Sơn) xứng đáng là tấm gương sáng điển hình.

Xuất phát điểm không có gì ngoài một vài chiếc máy gặt đập liên hợp, với niềm say mê nông nghiệp bất tận cùng khả năng tư duy nhạy bén, chàng trai trẻ ngày nào đã từng bước vươn mình trở thành một ông chủ thành đạt.


Ông Nguyễn Xuân Thiên thu được nhiều thành công từ mô hình ứng dụng NNCNC

Năm 2012, từ những đồng vốn ít ỏi dành dụm được, ông Thiên mạnh dạn thành lập HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến. Nhờ định hướng tốt, sớm tiếp cận được thị trường nên tình hình kinh doanh ngày một khởi sắc. Đến năm 2016, nhận thấy thị hiếu tiêu dùng ngày một thay đổi, ông lập tức xây dựng cửa hàng thực phẩm sạch mang tên Thiên Trường 36.

Thời gian đầu triển khai, mọi thứ đều rất mới mẻ nên khó khăn là chuyện khó tránh khỏi, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông Thiên vẫn luôn luôn kiên định với lựa chọn của mình. Dốc toàn lực không nao núng, mô hình NNCNC nhanh chóng được hình thành. Bước đầu ông Thiên chủ yếu trồng thí điểm dưa Kim hoàng hậu, về sau thấy tiến triển lại mở rộng trồng thêm hoa cùng nhiều loại rau màu khác.

Biết cách “đi tắt đón đầu”, chỉ sau 1 năm hoạt động, mô hình thực phẩm sạch đã mang lại cho ông chủ Nguyễn Xuân Thiên lợi nhuận 1 tỷ đồng. Khôn khéo xoay vòng đồng vốn theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, ông Thiên tiến từng bước vững chắc trên lộ trình đã vạch sẵn, đến nay ông đã gây dựng được một hệ thống chuỗi 3 cửa hàng thực phẩm sạch cùng 5 cửa hàng liên kết trên địa bàn tỉnh.

“Đây là mô hình mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Quá trình triển khai, bên cạnh thuận lợi là hàng loạt khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan và người thân trong gia đình nên mọi rào cản đều sớm được hướng giải quyết”, ông Thiên chia sẻ.

Hiện mỗi tháng các cửa hàng của công ty cung ứng ra thị trường từ 12 – 13 tấn sản phẩm, tất cả đều được kiểm định chất lượng sát sao, có xác nhận chi tiết của cơ quan chuyên ngành.

Không hài lòng với những gì đang có, ông Thiên vẫn tiếp tục mở rộng thêm diện tích SX, bên cạnh trồng rau, cây ăn quả sẽ triển khai nuôi thêm bò thịt. Dự kiến khi đi vào hoạt động, sản lượng sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại, thị trường lúc đó không chỉ gói gọn trên địa bàn mà hướng đến cả các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, đến tháng 3/2018 trên địa bàn có 14 địa chỉ bày bán thực phẩm an toàn trên mục “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch”. Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng liên kết là cơ sở nhân rộng mô hình, thúc đẩy SX nông sản, thực phẩm an toàn bền vững.

Theo VIỆT KHÁNH – THANH NGA (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 210
Tổng truy cập: 39333740