Nông sản VietGAP bí đầu ra (07/05/2018)

Mặc dù nông sản ở Khánh Hòa sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra phân tích dư lượng thuốc BVTV chỉ ở mức thấp so với các địa phương khác, song vẫn bí đầu ra, chủ yếu tiêu thụ ở các chợ thông qua thương lái.

PV NNVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Việt, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.


Ông Nguyễn Ngọc Việt

Việc tiêu thụ nông sản trong tỉnh được SX theo tiêu chuẩn VietGAP ra sao, thưa ông?

SX nông sản sạch đang được nhiều địa phương quan tâm và đẩy mạnh. Một số địa phương đã quy hoạch vùng SX cây trồng chủ lực như bưởi da xanh, mít tại Khánh Vĩnh, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, rau xanh Ninh Hòa, Nha Trang…

Cùng với đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi cung cấp rau, quả, trái cây an toàn VietGAP. Tuy nhiên qua khảo sát vừa qua tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên bàn cho thấy nông sản tiêu thụ rất ít.

Mặc dù nông sản sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra phân tích dư lượng thuốc BVTV chỉ ở mức thấp so với các địa phương khác, song vẫn bí đầu ra, chủ yếu tiêu thụ ở chợ. Ngay cả các sản phẩm rau, quả VietGAP của các HTX như ở Ninh Đông (TX Ninh Hòa); Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang) và HTX trái cây ăn quả VietGAP Khánh Vĩnh; HTX trái cây Khánh Sơn; HTX trồng tỏi Ninh Phước… chỉ tiêu thụ ở mức khiêm tốn.

Vì sao nông sản an toàn cũng chưa vào được nhà hàng, khách sạn, bếp ăn, thưa ông?

Các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn từ chối các sản phẩm nông sản VietGAP là do giá bán cao. Điều này là vô lý, bởi giá cả các món ăn tại khách sạn, nhà hàng sau khi chế biến bán cho du khách đều ở mức cao, cho nên dù sản phẩm VietGAP bán ra cao hơn lấy ở nơi khác từ 2 - 3 giá vẫn đảm bảo doanh thu.

Vấn đề này là cái cớ của các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn bởi theo tôi được biết việc nhập nguyên liệu đầu vào thường do bếp trưởng phụ trách. Thông thường khi lấy nguyên liệu với số lượng sẽ được trích hoa hồng, trong khi các HTX làm VietGAP thì lại không có khả năng làm được điều này.

Bên cạnh đó, các HTX SX nông sản an toàn cũng rất yếu về khâu xúc tiến quảng bá sản phẩm, đặc biệt chưa tạo được độ tin cậy cho người tiêu dùng.

Hầu hết các HTX chỉ chủ trọng khâu thực hành SX, chưa chú trọng dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lợi ích của việc dán tem là nâng cao độ tin cậy của người tiêu dùng. Khi đó, chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR code trên thực phẩm thì có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm dễ dàng.


SX rau VietGAP tại xã Ninh Đông, TX Ninh Hòa

Vậy ông có giải pháp nào để giúp các HTX làm theo VietGAP yên tâm SX?

Tôi cho rằng để SX nông sản VietGAP bền vững, đối với các HTX trên địa bàn phải tổ chức lại SX, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với truy xuất nguồn gốc. HTX phải thu hút được DN cùng tham gia chuỗi liên kết. HTX SX nông sản theo tiêu chuẩn, còn DN bao tiêu đầu ra. Cái khó hiện nay là các HTX chưa thu hút được DN. Một số HTX chỉ duy trì vậy thôi, bán sản phẩm ở siêu thị cũng được, mà bán ở ngoài cũng được.

Để thu hút các DN tham gia chuỗi liên kết, nhà nước phải ban hành chính sách hỗ trợ tham gia SX. Mặc dù tỉnh Khánh Hòa có nhiều cơ chế, cụ thể như QĐ 661/QĐ-UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn. Ví dụ làm VietGAP sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước chẳng hạn sẽ hỗ trợ 30% hay làm nhà lưới hỗ trợ 30%, giống và hỗ trợ giống đánh giá VietGAP năm đầu tiên… Song các tổ chức, cá nhân hiện nay vẫn chưa tiếp cận.

Năm nào tỉnh cũng dành kinh phí lớn cho chương trình này. Nhưng hầu như các địa phương vẫn chưa chú trọng. Hàng năm chưa có địa phương nào đề xuất xây dựng kế hoạch hỗ trợ SX ngành nghề nông thôn, mặc dù QĐ 661 đã ra đời cách đây 2 năm rồi. Vì thế nhiều HTX đến giờ vẫn chưa được hỗ trợ theo chính sách này. Chẳng hạn mô hình rau VietGAP Ninh Đông SX trong nhà lưới, nhà kính, thì Phòng NN-PTNT tham mưu UBND TX Ninh Hòa xây dựng kế hoạch hỗ trợ HTX theo QĐ 661.

Xin cảm ơn ông!

Để thực hiện việc truy xuất nguồn nguồn gốc điện tử, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa đã thực hiện thí điểm dán tem điện tử thông minh một số sản phẩm nông sản tại 2 siêu thị Co.opmart Nha Trang và 3F nhằm giúp cửa hàng quản lý SX nội bộ và quảng bá thương hiệu trực tiếp đến người tiêu dùng. Tại 2 điểm này, người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Theo KIM SƠ - LÊ KHÁNH (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 194
Tổng truy cập: 39333740