Kiểm tra máy bơm sục khí nuôi tôm CNC
Hiện toàn huyện có trên 2.300ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 92% diện tích tôm thẻ chân trắng, còn lại 8% diện tích tôm sú, chủ yếu nuôi quảng canh hoặc thâm canh.
Để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào nuôi tôm, huyện không chỉ triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật mà còn tổ chức cho nông dân tham quan mô hình tại Bạc Liêu, Trà Vinh… Qua 1 năm hoạt động, tuyên truyền, đến tháng 5/2018 Cần Giuộc đã có 38ha nuôi tôm CNC.
Ông Đồng Văn Đôn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc cho biết, kết quả cho thấy nuôi tôm ứng dụng CNC cho hiệu quả vượt trội so với nuôi truyền thống, hạn chế được dịch bệnh và sốc môi trường nước, năng suất tăng gấp đôi, lợi nhuận tăng cao.
Ông Nguyễn Thanh Tiền, người đi đầu trong việc đưa ứng dụng CNC vào nuôi tôm của tổ hợp tác số 2, ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông cho biết, trước đây ông nuôi theo lối quảng canh chỉ thu hoạch được 2 tấn/ha. Sau khi đầu tư SX, vụ vừa rồi, ông thu hoạch được hơn 15 tấn/ha. Mặc dù giá tôm có sụt giảm, nhưng lợi nhuận cũng đạt hơn 30 triệu đồng/tấn.
Ông Võ Văn Một, tổ viên THT số 2 thuộc ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông chia sẻ, ông nuôi tôm hơn 10 năm nay nhưng chỉ nuôi quảng canh. Từ khi tham gia THT ông được học cách nuôi CNC và tham quan mô hình ở Bạc Liêu và được tỉnh hỗ trợ 70% chi phí xây ao lắng. Ông được cập nhật kiến thức CNC trong buổi họp THT ngày 22 hằng tháng. Ngoài ra anh em trong THT mỗi ngày đều họp nhóm trao đổi thông tin, kinh nghiệm.
Ông Lê Thanh Thuận, cán bộ phụ trách thuỷ sản xã Phước Vĩnh Tây cho biết, 2 năm qua diện tích nuôi tôm tại xã không tăng. Nhưng nhờ ứng dụng CNC nên năng suất tăng lên nhiều. HTX nuôi tôm Phước Vĩnh Tây còn lập quỹ hỗ trợ rủi ro để giúp tổ viên không may có tôm mắc bệnh dịch phải tiêu hủy...