Đưa gạo vào siêu thị
Từ lâu, giống lúa Bắc thơm số 7 (BT7) đã gắn bó với nông dân lòng chảo Điện Biên. Sự kết hợp giữa tiểu vùng khí hậu đặc thù, giống lúa chất lượng cao và sự cần cù của con người nơi đây đã khai sinh ra thương hiệu gạo Tám Điện Biên nổi tiếng.
Gạo Tám Điện Biên SX từ giống lúa BT7 KBL của HTX Thanh Yên
Thế nhưng, khi lên thăm cánh đồng Mường Thanh trong những vụ mùa vài năm trở lại đây, không khỏi xót xa khi chứng kiến những thửa ruộng nối tiếp nhau trồng giống BT7 bị khô héo, thân lá bạc trắng như rơm. Những thửa ruộng sai trĩu hạt một thời, nay trở nên xơ xác.
Chỉ riêng vụ mùa, để cây lúa khỏi bị bệnh bạc lá, nông dân thường phun 5 – 7 lần phun thuốc trừ sâu. Thương hiệu gạo Tám Điện Biên có nguy cơ “xoá xổ” trên bản đồ gạo đặc sản, bởi khi phun thuốc nhiều như vậy, rất khó để lọt qua cửa các siêu thị lớn.
Vụ mùa năm 2017, khi xây dựng cánh đồng lớn 31ha lúa đặc sản theo chủ trương của tỉnh, ông Quản Bá Mười, GĐ HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) đã phải vắt óc tìm kiếm một bộ giống lúa vừa thơm ngon, vừa chống chịu tốt sâu bệnh để xây dựng thương hiệu gạo của riêng mình.
Và như một cơ duyên. Ông Trịnh Huy Đang, TGĐ Cty CP Giống cây trồng Hải Dương ở tít dưới đồng bằng đã mang theo bao giống BT7 kháng bạc lá (KBL) lên vùng lòng chảo. Ban đầu, ông Mười bán tín bán nghi, sợ DN “nổ” để bán hàng. Bởi vậy, trong cánh đồng rộng 31ha, HTX Thanh Yên chỉ rón rén thử nghiệm 50% trồng BT7 KBL, còn lại là trồng BT7 nguyên chủng.
Kết quả, ruộng cấy lúa BT7 thường bị cháy lá. Dù đã phun tới 5 lần thuốc nhưng năng suất chỉ đạt 130 kg/sào. Trong khi đó, giống đối chứng gần như miễn dịch với bệnh bạc lá nên không phải phun thuốc, năng suất vẫn đạt 2,2 tạ.
Được mùa, nhưng ông Mười không vội mừng, bởi thứ mà ông quan tâm nhất là chất lượng gạo. Sau khi thu hoạch và phơi xát, những hạt gạo được nấu thành cơm. Chao ôi! Hương thơm toả ra ngào ngạt khi xới ra bát, đưa lên miệng nhai vừa mềm vừa đậm. Cơm chỉ hơi kém dẻo chút xíu so với cơm BT7 thường, nhưng dễ nấu vì không nát.
Những hạt gạo trong trẻo được đóng gói bắt mắt mang thương hiệu “Gạo Tám Điện Biên” của HTX Thanh Yên được ông Mười mang xuống Hà Nội chào hàng. Sau khi lấy mẫu phân tích cặn kẽ các chỉ tiêu chất lượng và dư lượng thuốc BVTV, gạo của HTX đã nhận được cái gật đầu của của hệ thống siêu thị Co.op Mart và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển.
Tháng 11/2017, lô hàng đầu tiên đưa vào siêu thị với giá 38.000 đồng/kg, thể hiện đẳng cấp của một thương hiệu gạo mà nhiều nông dân mơ ước. Giá cao như vậy nhưng ông Mười bảo rằng: “10 ngày nay HTX cháy hàng, siêu thị giục hoài mà không còn gạo để bán”.
Nông dân bị chinh phục
Tôi vẫn nhớ như in lần về thăm cánh đồng lúa của thôn Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện (Hải Dương) vào tháng 11/2017. Khắp dải đất từ đội 2 đến đội 6 bạc trắng như rơm khô do lúa nhiễm nặng bệnh bạc lá, năng suất bình quân 20 – 30 kg/sào.
Giám đốc HTXNN Tân Trào, ông Nguyễn Văn Hưng bảo rằng: Sau “đại dịch” bệnh bạc lá trên giống BT7 thường, toàn xã có 85ha mất trắng và khoảng 25ha mất 30 – 70% năng suất.
“May mà vụ này bà con thay thế khoảng 100ha giống BT7 thường bằng giống BT7 KBL nên năng suất vẫn đạt 180 – 200 kg/sào. Nếu không, nông dân chỉ thu được mỗi... rơm”, ông Hưng nói. Từ đó, tỉnh Hải Dương đã có chủ trương khuyến khích sử dụng giống BT7 KBL thay vì giống BT7 thường.
Ruộng lúa gieo cấy giống lúa BT7 KBL (phải) “miễn dịch” với bệnh bạc lá
Tại Nam Định, một trong những vựa lúa đặc sản lớn nhất miền Bắc, Sở NN-PTNT đã từng “tẩy chay” giống BT7 thường vì nhiễm sâu bệnh nặng bằng cách không đưa giống lúa này vào cơ cấu giống.
Tuy nhiên, sau nhiều vụ gieo cấy tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường,... giống lúa BT7 KBL đã khẳng định được chống kháng bạc lá tuyệt vời. Bên cạnh đó, khi cắm rễ ở vùng đất ven biển chua mặt, giống lúa này có vị rất đậm đà, nông dân rất ưa chuộng. Bởi vậy, giống BT7 KBL không ngừng mở rộng tại Nam Định.
Vụ mùa năm 2017, nhiều dịch bệnh phát sinh gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen phương nam và bệnh bạc lá. Nhiều giống lúa của Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương cung ứng SX vụ mùa năm 2017 được đánh giá cao.
Ngoài giống lúa BT7 KBL còn có các giống lúa chất lượng như nếp DT22, BM 9603, Nếp 415, Nếp 97, NB01, XT28... hạn chế sâu bệnh, ít bị bạc lá và lùn sọc đen, ổn định năng suất. Được biệt, các giống lúa mới như Đột biến tám xoan, XT28, TL12, SHPT3 sinh trưởng khoẻ, sạch sâu bệnh và cho năng suất từ 230 – 250kg/sào.
Trong vụ xuân 2018, HTX Thanh Yên đã chủ động nhập 5 tấn giống BT7 KBL để ở rộng gieo cấy lên 70ha. Ông Mười bảo rằng: “Nếu chúng tôi không cấy giống lúa BT7 KBL, thì giấc mơ đưa hạt gạo vào các hệ thống siêu thị lớn không bao giờ thành hiện thực”.
Theo ngành trồng trọt, chỉ trong thời gian rất ngắn (từ năm 2017 đến nay) kể từ khi đứng chân trên đồng đất Điện Biên, diện tích gieo cấy lúa BT7 KBL đã lên tới gần 600ha. Đây là triển vọng khá tốt của một giống lúa.
|