Theo ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang tăng cao, đảm bảo chăn nuôi có lãi.
Giá lợn tại Thái Bình tăng mạnh
Cụ thể, lợn F1 từ 35 - 37 nghìn đồng/kg; lợn F2, F3 từ 42 - 43 nghìn đồng/kg; lợn ngoại dao động 45 - 46 nghìn đồng/kg. Và, giá thịt lợn ngoài chợ đã tăng lên đến 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên lợn thịt đến tuổi xuất bán không có nhiều vì “bão giá” trong khoảng thời gian dài, gây thua lỗ và khó khăn về tài chính cho người chăn nuôi. Hầu hết các trang trại, gia trại đều giảm quy mô chăn nuôi để duy trì SX hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi; một số tạm ngừng tái đàn, để trống chuồng hoặc chuyển đổi ngành nghề có thu nhập cao hơn.
Cũng theo ông Nhương, tình hình thị trường tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn ra bình thường, không có biến động. Bởi, lợn thịt tiêu thụ tại địa phương chủ yếu vào hai nguồn như giết mổ tiêu dùng trong tỉnh (nguồn này hiện nay không tăng, thậm chí còn giảm vì đã qua thời kỳ có nhiều lễ hội trong năm, hơn nữa thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm).
Nguồn thứ hai là vận chuyển đi tiêu thụ ở tỉnh ngoài (chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh). Nguồn này cũng giảm vì giá bán lợn thịt tại các tỉnh so với Thái Bình chênh lệch không nhiều. Vận chuyển đường dài khi nắng nóng tỷ lệ hao hụt lớn, người kinh doanh không có lãi nên nguồn tiêu thụ tỉnh ngoài cũng giảm.
Ông Nhương khẳng định: “Tại Thái Bình, việc tái đàn lợn vẫn diễn ra thường xuyên nhưng ở mức độ cầm chừng. Từ thời điểm giá lợn tăng đến nay, việc tái đàn có khởi sắc hơn, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tái đàn, chứ không ồ ạt như trước”.
Để tránh tình trạng “đua nhau” tái đàn dẫn đến mất cân đối cung - cầu, ngành chăn nuôi tỉnh Thái Bình đã khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thận trọng trong việc tái đàn.
Phát triển đàn lợn theo hướng tăng quy mô đàn nhưng phải tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; kiểm soát được điều kiện chăn nuôi và làm tốt được công tác phòng chống dịch bệnh; tích cực áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP.
Ngoài ra, thường xuyên theo dõi giá cả, nắm bắt nhu cầu của thị trường; thực hiện chăn nuôi liên kết, hợp tác theo chuỗi để có thể hạ giá thành sản xuất chăn nuôi, phát triển bễn vững.
“Ngành chăn nuôi tỉnh Thái Bình khuyến cáo người chăn nuôi phải có kế hoạch SX gắn với nhu cầu thị trường, chú ý đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, tăng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và mở rộng thị trường tỉnh ngoài”, ông Phạm Thành Nhương.
|