Sau khi nghiên cứu các mô hình trồng chanh leo ở Nghệ An, năm 2015, UBND huyện Lương Sơn giao Phòng NN-PTNT, Trạm KN, Trạm BVTV phối hợp triển khai thí điểm mô hình trồng chanh leo tại xã Tân Vinh. Đây là loại cây ăn quả lưu niên lần đầu được đầu tư theo mô hình tập trung trên địa bàn theo hướng SX hàng hóa.
Thu hái chanh leo
Tháng 6/2015, cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm 5ha tại xóm Cời và xóm Rụt. Những ngày đầu triển khai, bằng nguồn ngân sách địa phương, huyện hỗ trợ cho nông dân 80% giống và 40% vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc BVTV, vật liệu làm giàn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, tham quan thực tế tại tỉnh bạn...
Ông Hoàng Anh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Vinh cho biết: Sau 3 năm thực hiện mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, diện tích ngày càng được mở rộng.
Đến nay, diện tích chanh leo toàn xã đạt 12,5ha. Theo tính toán, năm đầu trồng phải đầu tư gần 200 triệu đồng/ha (làm giàn và cột chống...).
Sau 3 - 5 tháng cây bắt đầu cho thu hoạch và cho thu liên tục trong thời gian khoảng 3 - 5 năm mới phải trồng lại. Năm đầu là năm kiến thiết cho năng suất thấp, từ năm thứ 2, 3 trở đi cây cho năng suất ổn định, ước đạt 35 - 40 tấn/ha.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chanh leo mang lại, nhiều người dân đã học tập, tự đầu tư nhân rộng. Trang trại trồng chanh leo của gia đình ông Trần Văn Hiếu, xóm Rụt là một ví dụ. Năm 2015 sau khi đi tham quan thực tế ở Nghệ An và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ học hỏi kinh nghiệm, ông Hiếu xắn tay xây dựng mô hình.
Theo ông Hiếu, chanh leo là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng quan trọng phải cung cấp đủ nước tưới thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó cũng cần tuân thủ các quy định về phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt phải thu hái bằng tay để đảm bảo giữ được mẫu mã sản phẩm.
Chanh leo là loại cây ra quả quanh năm, do vậy năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Từ năm 2017 đến nay 5ha chanh leo cho gia đình ông Hiếu thu hái trên 25 tấn quả, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP và được hệ thống siêu thị VinMart (Hà Nội) hợp đồng thu mua với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Đóng gói sản phẩm chanh leo vào siêu thị
Hiện tại, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo nhằm nâng cao sản lượng. Trang trại chanh leo không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Hiếu mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 - 6 lao động địa phương có việc làm thường xuyên với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy đây là mô hình đầy triển vọng. Để nâng cao chất lượng, năng suất chanh leo cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa "4 nhà", đưa sản phẩm đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và đơn vị bao tiêu, từng bước khẳng định thương hiệu nông sản...
|