Vừa qua, tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (TP Quy Nhơn, Bình Định), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 7 tháng đầu năm 2018 và bàn giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm.
Nhiều mô hình đào tạo hiệu quả
Trong 7 tháng đầu năm 2018, số người lao động được học nghề nông nghiệp được hơn 120.000/287.175 lao động, đạt 41% kế hoạch đề ra. Đào tạo từ nguồn ngân sách TW phân bổ cho các địa phương là 64.000 người, gồm: Đào tạo gắn với các chương trình SX liên kết với doanh nghiệp 20.000 người; chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương 5.000 người; chính sách an sinh xã hội 39.000 người.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị
Trong đó, đào tạo từ nguồn xã hội hóa khoảng 33.500 người, chủ yếu là do các doanh nghiệp, HTX tổ chức đào tạo thường xuyên; các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh tham gia đào tạo nghề bằng các nguồn theo các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp.
Riêng Bộ NN-PTNT giao các đơn vị thuộc Bộ thực hiện đào tạo gần 2.700 người với 14 nghề, như: Trồng cao su, trồng khoai tây, trồng mía, trồng cây dược liệu, SX chế biến chè, trồng hồ tiêu, trồng sắn, SX rau an toàn, SX nấm, SX lúa theo hướng VietGAP, nuôi thủy sản (ngao, cua biển), trồng nhãn, trồng dưa công nghệ cao, sử dụng máy nông nghiệp.
Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả, nâng cao được kỹ năng, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động. Có thể kể: Các trường thuộc Bộ NN-PTNT đã đào tạo cho lao động tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho các Cty, HTX, cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh; các lao động trong vùng nguyên liệu SX hàng hóa của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tham gia đào tạo là: TCty Cao su Việt Nam, TCty Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh thì đào tạo cho các lao động trong vùng SX hàng hóa của TCty Lương thực miền Nam; Hiệp hội Cà phê Việt Nam; Hiệp hội Mía đường Việt Nam và một số HTXNN…
Tập trung đào tạo nông nghiệp công nghệ cao
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, song công tác đào tạo nghề nông nghiệp vẫn còn những tồn tại hạn chế, nhất là về cơ cấu đào tạo 50% cho lao động ở các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; 20% cho thành viên HTXNN, trang trại lao động thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và 30% an sinh xã hội. Cơ cấu này đã bộc lộ bất cập tại một số địa phương, ví như tại tỉnh Phú Yên.
Mô hình trồng rau CNC ở xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định)
Phú Yên là tỉnh thuần nông, với cơ cấu đào tạo 50% cho lao động ở các doanh nghiệp là rất khó thực hiện. Bởi, trên địa bàn tỉnh này số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất ít, chỉ có nhà máy đường đầu tư theo kiểu khuyến nông chứ không đào tạo nghề.
“Tỉnh Phú Yên đang ưu tiên nguồn vốn để đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ HTXNN, hướng đến mỗi xã xây dựng 1 HTXNN kiểu mẫu. Đề nghị Bộ NN-PTNT cho địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu đào tạo, cho tỷ lệ đào tạo an sinh xã hội cao hơn đào tạo cho lao động ở các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như vậy mới phù hợp với thực tế của địa phương”, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, đề nghị.
Đánh giá công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn qua 7 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, chia sẻ: “Có chuyển biến rõ rệt, nhất là các địa phương đồng hành ngày càng nhiệt tình hơn”.
Cũng theo Thứ trưởng Nam, trong năm 2018 này, định hướng của Bộ NN-PTNT là tập trung đào tạo lao động cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và HTXNN, đào các nghề anh sinh xã hội ở địa phương. Thực tế cho thất chất lượng đào tạo đã được nâng cao, gắn được với yêu cầu từng địa phương và của người được đào tạo. Đặc biệt, sau khi được đào tạo hầu hết lao động đều có việc làm.
“Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nhất là đối với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hiện chúng tôi đang đào tạo nghề nông nghiệp SX các sản phẩm theo hướng VietGAP để xuất khẩu, nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là NNCNC", ông Nam nói.
"Định hướng trong thời gian tới công tác đào tạo sẽ tập trung vào hướng dẫn đào tạo NNCNC cho các đối tượng HTXNN và người dân, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.
|