Năm nay thời tiết thuận lợi, cộng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên bà con nơi đây hưởng niềm vui lớn được mùa.
Đang là thời điểm thu hoạch chính vụ nhãn, nên đến Phúc Thuận đâu đâu chúng tôi cũng thấy một màu xanh mát với những chùm quả vàng bóng, căng tròn sai lúc lỉu. Là vùng trồng cây ăn quả có tiếng từ lâu nên thương lái tìm đến thu mua khá đông, không khí thu hoạch thật tấp nập.
Năm nay, sản lượng nhãn của Phúc Thuận ước đạt khoảng 600 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm trước
Ông Nguyễn Viết Hữu, ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận thông tin: Người dân trong xóm phần lớn là ở Hưng Yên di cư lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 1970. Có một số người đã mang theo giống nhãn nổi tiếng ngon, ngọt của quê hương Hưng Yên lên trồng. Nhãn bén duyên với vùng đất này do phù hợp với điều kiện tiểu khí hậu và thổ nhưỡng. Từ chỗ chỉ vài hộ trồng nhãn để ăn, thì đến nay hầu hết người dân 3 xóm là Khe Đù, Khe Lánh và Quân Xóm với tổng diện tích khoảng 200ha. Nhà trồng ít vài chục gốc nhãn, trồng nhiều lên tới 700-800 gốc. Có những cây nhãn vài chục năm, nhưng cũng có cây mới chỉ vài năm tuổi gọi là nhãn Miền (do đã được lai tạo). Nhưng cơ bản vẫn có vị ngon, ngọt mát đặc trưng của giống nhãn Hưng Yên nổi tiếng.
Ông Nguyễn Viết Hữu cho biết, gia đình cũng đang sở hữu 300 gốc nhãn trồng theo quy trình VietGAP, tuổi từ 15 đến 20 năm. Vụ này nhãn được mùa lớn, sản lượng dự kiến thu từ 15-16 tấn quả. Tuy nhiên, cũng do được mùa nên giá bán giảm nhiều. Nếu như năm 2017, gia đình ông bán tại vườn từ 28-30 nghìn đồng/kg thì năm nay chỉ từ 15-20 nghìn đồng/kg.
Những chùm quả vàng bóng, căng tròn sai lúc lỉuĐược mùa, tiêu thụ thuận lợi nhưng giá bán giảm sâu cũng là băn khoăn của ông Nguyễn Hữu Vương, xóm Khe Đù. “Nhà tôi có 250 gốc và đang cho thu hoạch rộ. Năm nay ở đâu cũng được mùa nhãn nên giá bán thấp hơn nhiều so với mọi năm. Tính chung ra thì thu nhập không được bằng so với các vụ khác” - ông Vương nói.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết để tiêu thụ nên từ năm 2008, nhiều hộ dân ở xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận đã tập hợp lại để thành lập HTX Thành Hưng. Hướng đi của HTX là phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, tăng diện tích nhãn chín muộn để xây dựng thương hiệu và tăng giá bán. Tuy nhiên, đã tròn 10 năm nhưng HTX mới chỉ dừng lại ở 10 thành viên, với diện tích trồng VietGAP khoảng 15ha nhãn.
Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Giám đốc HTX trăn trở: Chúng tôi vẫn chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ tại vườn cho thương lái hoặc bán tại chợ, chưa ký được hợp đồng với nhà hàng hay siêu thị. Giá bán nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP cũng không cao hơn nhãn thường nên nhiều bà con nông dân không mấy mặn mà.
Là vùng cây ăn quả trọng điểm của thị xã Phổ Yên nói riêng và cả tỉnh Thái Nguyên nói chung nên bài toán quy hoạch, đầu tư hạ tầng và xây dựng thương hiệu sản phẩm đã được xã Phúc Thuận lưu tâm từ lâu.
Lãnh đạo xã Phúc Thuận và Giám đốc HTX Thành Hưng thường xuyên dành thời gian đi kiểm tra nhãn để kịp thời có khuyến cáo với bà con nhằm đảm bảo nhãn đủ độ được thu hoạch
Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Nhờ sự quan tâm của Thị xã, con đường từ trung tâm xã vào đến Khe Đù đã được mở rộng và đổ bê tông; nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt được tổ chức; các ngân hàng trên địa bàn thị xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn đầu tư làm ăn... Chúng tôi đang xây dựng Đề án quy hoạch vùng cây ăn quả gồm 3 xóm Khe Đù, Khe Lánh và Quân Xóm với tổng diện tích trên 400ha, trong đó riêng nhãn là 200ha.
Tại cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên mới đây, lãnh đạo thị xã Phổ Yên đã có kiến nghị về đầu tư hạ tầng vùng trồng cây ăn quả tập trung. Tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng vùng cây ăn quả tập trung ứng dụng công nghệ cao tại xã Phúc Thuận với quy mô 371ha tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018. Điều người dân mong mỏi nhất là sớm được hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và chỉ dẫn địa lý cho vùng cây ăn quả. Đó sẽ là cơ sở giúp việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và nâng cao giá trị nông sản, vừa được mùa vừa được giá.
Được biết, Phúc Thuận là một trong những địa phương của tỉnh Thái Nguyên được lựa chọn thực hiện mô hình nông thôn mới tiêu biểu. Nếu các dự án đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà tỉnh Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên kêu gọi đầu tư trở thành hiện thực sẽ trở thành một điểm nhấn, tạo ra chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển vùng du lịch sinh thái.
Với khoảng 300 gốc, năm nay gia đình ông Nguyễn Hữu Kỳ dự kiến thu hoạch được khoảng 13-14 tấn nhãn