GS.TS.NGND Nguyễn Xuân Trạch
Thưa GS, thực tế ở nước ta chưa có khái niệm chính thức nào về phúc lợi động vật (PLĐV). Vậy GS có thể cho biết một cách khái quát, thế nào là PLĐV trong chăn nuôi?
Ngày nay PLĐV được coi là 1 trong 4 yếu tố cấu thành của chăn nuôi bền vững bên cạnh các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, ở nước ta, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, đang còn có nhiều tranh luận xung quanh khái niệm này. Tranh luận bởi vì nó mới đối với ta nên nhiều người chưa hiểu hết và còn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm có liên quan.
PLĐV là một khái niệm rộng và một số định nghĩa đã được đưa ra. Tựu trung lại có thể hiểu PLĐV là trạng thái của con vật trong nỗ lực của nó đối phó với môi trường sống, gồm 3 phương diện: thể chất, tinh thần và tính tự nhiên. Nói một cách khác, một con vật có phúc lợi tốt là con vật khỏe mạnh về thể chất, thoải mái về tinh thần và các nhu cầu tự nhiên được thỏa mãn.
Đã hàng chục ngàn năm nay, vật nuôi và con người sống cộng sinh với nhau. Do vậy, bất cứ con vật nào được con người nuôi ít nhất phải được con người bảo vệ nhằm đảm bảo cho nó có “một cuộc sống đáng sống nhìn từ phương diện của con vật”. Đó là trách nhiệm của con người bao gồm việc xem xét tất cả các khía cạnh cuộc sống tốt của con vật như chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng ngừa bệnh tật, quan tâm đối xử tốt và khi cần thiết ban cho nó một cái chết nhân đạo. Như vậy,“đối xử nhân đạo với động vật” là yêu cầu đối với con người, là bổn phận đạo đức của con người để đảm bảo PVĐV.
Vậy có tiêu chí nào để đánh giá PLĐV không, thưa GS?
Năm 1992, Hội đồng PLĐV nông nghiệp Anh đã đề xuất một khung đánh giá PLĐV, đó là khung “năm không” gồm: Không bị đói khát. Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật. Không bị khó chịu. Không bị sợ hãi và căng thẳng. Không bị hạn chế các tập tính tự nhiên.
“Năm không” cung cấp một bản tóm tắt các khía cạnh chính liên quan đến cả 3 khía cạnh của PLĐV. Đã có một sự công nhận quốc tế rằng “năm không" là điểm khởi đầu tốt cho việc đánh giá PLĐV. Trên cở sở đó người ta có thể đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về phúc lợi cho từng loại động vật và thường được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật.
Ở nước ta hiện mới chỉ có quy định về đối xử nhân đạo với động vật được nêu trong điều 21, Luật Thú y năm 2015. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể thế nào là chăn nuôi, vận chuyển phù hợp, thế nào là nhân đạo với động vật chăn nuôi. Theo GS, phải chăng đây cũng là kẽ hở để những trường hợp chăn nuôi, giết mổ tàn nhẫn vẫn còn tồn tại?
Ngày 19/3/2014, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tổ chức hội thảo “Vai trò của PLĐV trong phát triển bền vững ở Việt Nam”. Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y trong đó có Điều 21 về đối xử với động vật. Đó là quy định luật pháp đầu tiên liên quan đến PLĐV ở Việt Nam.
Vừa qua Quốc hội đã đưa ra thảo luận nội dung về PLĐV để đưa vào Luật Chăn nuôi dự định thông qua vào kỳ họp QH cuối năm nay. Đó là những bước tiến quan trong về mặt luật pháp phù hợp với một xu thế không thể khác được của thế giới.
Tuy nhiên, cho đến nay ở nước ta chưa có những quy định cụ thể về PLĐV trong chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ động vật cũng như chưa có sự giáo dục cần thiết về PLĐV nên vẫn còn những hiện tượng đói xử thô bạo, tàn nhẫn với động vật trong các lễ hội cũng như trong chăn nuôi.
Theo các công ty chuyên giết mổ động vật và chế biến thực phẩm tại châu Âu thì việc giúp động vật thư giãn, không đau đớn trước khi bị giết mổ mới là cách đảm bảo chất lượng cho thịt, bởi vì khi đó, động vật sẽ không tiết ra các hormone gây căng thẳng và sợ hãi. Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, GS có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Vận chuyển và giết mổ cũng là một mối quan tâm của PLĐV để đảm bảo rằng con vật không bị stress trong quá trình vận chuyển và trước khi giết mổ. Điều này không chỉ vì PLĐV mà còn vì lợi ích của chính con người.
Ủy ban châu Âu đã thúc đẩy phúc lợi động vật trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là điều kiện sống của động vật nông nghiệp
Nếu con vật bị đối xử thô bạo trước khi giết mổ thì có thể bị chấn thương và một phần sản phẩm phải bị loại bỏ; hơn thế nữa khi đó con vật sẽ bị bị stress và cơ thể sẽ tiết hocmon để kích thích quá trình phần giải đường dự trữ trong cơ nhằm giải phóng năng lượng giúp cho quá trình đối phó với stress.
Điều này có nghĩa là sau khi giết lượng đường dự trữ trong thịt còn rất ít, không đủ để lên men sinh ra các axit làm cho thịt mềm mà trái lại thịt sẽ bị cứng mà mất đi độ mềm và độ ngọt cần thiết. Do vậy việc kích ngất để con vật không phải trải qua trạng thái stress trước khi giết thịt không những là việc làm nhân đạo mà còn là giải pháp khoa học để đảm bảo thu được khối lượng sản phẩm tối đa và chất lượng sản phẩm tốt nhất từ con vật.
Tại Canada hay tại Hàn Quốc đã có chứng chỉ về PLĐV cho các sản phẩm thịt bán ra thị trường. Tại các quốc gia khác như Hà Lan, trên sản phẩm cũng có chứng nhận này, PLĐV càng tốt, thì được đánh giá càng nhiều sao trên sản phẩm… GS có thể nói rõ hơn người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng như thế nào để thúc đẩy thực hiện PLĐV?
Về nguyên lý chung,“người tiêu dùng quyết định toàn bộ hoạt động của một chuỗi ngành hàng” vì họ là người duy nhất trả tiền cho toàn bộ ngành hàng đó. Do đó, vai trò của khách hàng là vai trò của thượng đế như chúng ta vẫn thường nói.
Khách hàng văn minh ngày nay đòi hỏi sản phẩm họ tiêu thụ không những ngon mà phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng để biết được rằng đó là sản phẩm từ những hệ thống sản xuất văn minh, có đạo đức, con vật không bị đối xử tàn nhẫn. Vì vậy muốn bán được sản phẩm chăn nuôi cho những thị trường này (thường với giá cao) thì phải đảm bảo cho người tiêu dùng cuối cùng tin tưởng được vào điều kiện PLĐV tốt của hệ thống sản xuất. Đó là một áp lực lớn đòi hỏi người chăn nuôi phải đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi nếu muốn phát triển chăn nuôi bền vững.
Sắp tới chúng ta cần có những thay đổi như thế nào để nâng cao việc thực hiện PLĐV?
Để con người thực hiện một hành động một cách tự giác chúng ta phải thực hiện đồng thời hai giải pháp, đó là giáo dục và luật pháp. Do vậy, để thúc đẩy việc đảm bảo PLĐV ở nước ta thì cần có giáo dục, bao gồm cả giáo dục nhân đạo và giáo dục chuyên nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, từ đó tự giác thực hiện PLĐV. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhanh chóng ban hành luật pháp về PLĐV để bắt buộc các bên liên quan phải tôn trọng và đảm bảo phúc lợi không chỉ cho động vật nông nghiệp mà cả các loại động vật khác như thú cưng, động vật hoang dã, động vật vườn thú...
Trước mắt phải coi PLĐV là một nội dung quan trong của Luật Chăn nuôi sắp được QH thông qua và trên cơ sở đó phải xây dựng được các văn bản dưới luật tốt để quy định chi tiết và có các tiêu chuẩn phúc lợi cụ thể cho từng đối tượng động vật khác nhau nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Xin cảm ơn GS!