Bò tình nghĩa
Dư luận thường có hai thái cực với chuyện tặng gia súc, gia cầm kiểu từ thiện của các doanh nghiệp "Mạnh Thường Quân". Thứ nhất là ghi nhận tấm lòng tốt của họ còn thứ nhì là dị ứng với cung cách “cờ giong trống mở” cốt để làm thương hiệu của một số doanh nghiệp nên không kiểm tra kỹ chất lượng con giống, để cho dịch bệnh từ giống gia súc, gia cầm từ thiện lan ra đàn gia súc, gia cầm bản địa khiến nông dân một số vùng khốn đốn.
Chị Sắc chăm sóc bò
Trái với kiểu tặng bò từ thiện ấy, đợt trao bò của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho xã Đông Yên vừa qua lại nghiêng về hướng cải tạo, thay máu cho đàn bò địa phương bằng những con giống chất lượng, rõ nguồn gốc, xuất xứ và có sự đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật liên tục từ đội ngũ cán bộ.
Vốn là xã có lợi thế bán sơn địa, diện tích rộng, đồi gò nhiều nên từ lâu nghề nuôi bò của Đông Yên đã phát triển với số lượng trên dưới 1.000 con, trở thành vùng trọng điểm chăn nuôi của huyện. Tuy nhiên nghề nuôi bò ở đây chủ yếu ở quy mô nông hộ nhỏ, khâu giống còn chưa được cải tạo nhiều, vẫn còn khoảng 40% “bò cóc” nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Bởi thế đợt chuyển giao 20 con bò giống lai Sind vừa qua thực sự là cơ hội để cho địa phương này có thể cải thiện tầm vóc, trọng lượng cũng như tăng tỷ lệ thịt xẻ của đàn bò lên khoảng 50%.
Ông Bùi Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Yên cho hay, 20 con giống được phát cho 20 hộ gia đình với đầy đủ thành phần gồm khá giả, cận nghèo và nghèo. Tuy nhiên khác với một số chương trình trao bò kiểu từ thiện, cứ nghèo, cận nghèo là trao, bất biết là họ có đủ điều kiện để nuôi không, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã phối hợp với Hội Nông dân của xã lại xét chọn hộ theo tiêu chí có chuồng nhốt, có lao động và có kinh nghiệm chăn nuôi bò mới được trao tặng. Ngoài hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn tinh, các hộ này phải đối ứng 70% thức ăn.
Giống được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội có độ tuổi trung bình từ 10 - 12 tháng, khỏe mạnh, sạch bệnh, đã được tiêm phòng các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng và khá đồng đều về trọng lượng, khoảng trên dưới 180 kg/con. Bởi vậy, nếu nuôi vỗ tốt chỉ 3 - 5 tháng sau là có thể sẵn sàng cho việc lấy giống. Sau khi trao bò, cán bộ khuyến nông còn thường xuyên về kiểm tra xem khả năng thích ứng của vật nuôi với vùng đất mới, với chủ nhân mới, hướng dẫn kỹ thuật chăn thả, phòng tránh dịch bệnh nên toàn bộ đàn đều phát triển khỏe mạnh.
Chúng tôi đến thăm nhà chị Kiều Thị Sắc - một hộ khó khăn ở đội 2, thôn Đông Hạ khi chị đang cho bò ăn. Hoàn cảnh chị thật gieo neo khi người chồng - trụ cột chính về kinh tế mấy năm trước đi làm thợ xây bị ngã từ tầng 3 rơi xuống đất, thương tích nặng. Để chạy chữa cho anh, chị phải dứt ruột đem bán cặp bò mẹ con trước vốn là nguồn đóng học phí cho các cháu. Người con đầu của chị bởi vậy học đến lớp 9 đã phải bỏ. Chồng chị sau 5 lần mổ đi mổ lại vẫn còn đinh ở trong người, sức khỏe yếu và để lại gánh nặng nợ nần 200 triệu lên vai người vợ trẻ. Ba năm liền gia đình chị liên tục trong danh sách hộ nghèo của thôn. Túng quẫn quá chị đành phải cắt đất đem bán nhưng vẫn còn nợ tới 60 triệu tới tận bây giờ.
Giữa bối cảnh đó thì con bò giống của khuyến nông trao như một cái phao cho người sắp chết đuối là chị bám vào. Chị hi vọng mấy tháng nữa nó có thể lấy giống rồi sinh ra một con bê, tạo sinh kế để cho đứa thứ hai đang học lớp 12 nuôi giấc mơ vào cao đẳng nghề, đứa thứ ba đang học lớp 8 sẽ được tiếp tục tung tăng cắp sách tới trường.
Ông Thụy dự tính sẽ mở rộng đàn bò lên 5 - 7 con
Và trên cả tình nghĩa
Khác với gia cảnh nghèo khó của chị Sắc, nhà ông Kiều Văn Thụy ở xóm 5 có kinh tế khá giả. Với 500 con vịt đẻ mỗi năm ông bà bán được hàng trăm ngàn quả trứng. Với 20 mẫu ruộng thầu thả cá mỗi năm ông bà thu 5 - 7 tấn. Tổng lợi nhuận lên tới trăm triệu nhưng hễ có được đồng vốn nào ông bà đều “vứt” cả ra đồng đầu tư thêm cho vịt, cho cá. Bởi vậy dù có đất đai rộng rãi tới 7.000m2, có dự định nuôi bò để tận dụng bờ bụi thừa trồng cỏ, lấy phân bón cây cối nhưng ông cứ lần lữa mãi cho đến khi có được khuyến nông cấp cho 1 con bò.
Chỉ sau 1 tháng làm quen ông Thụy đã tỏ ra thích vật nuôi mới này không kém gì niềm đam mê ông từng dành cho lũ cá và đàn vịt đẻ. Ông bảo, chỉ sang năm thôi, khi chúng tôi đến sẽ là một quang cảnh khác hẳn với một dãy chuồng khang trang, với đàn bò sinh sản ít nhất 5 - 7 con chứ không phải chỉ dừng lại 1 con như này.
Hai con người, hai cách phát triển chăn nuôi khác nhau: quy mô nhỏ, quy mô vừa và lớn nhưng đều hợp với điều kiện cụ thể của “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Hoàn toàn có thể hi vọng về hướng đi bền vững cho kinh tế nông nghiệp ở Đông Yên.
Phát triển chăn nuôi bền vững là áp dụng theo quy trình VietGAHP, khuyến khích xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp với các trang trại, gia trại, HTX.
Hiện nay Hà Nội đã quy hoạch được 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trang trại, gia trại quy mô nằm ngoài khu vực dân cư. Riêng ở huyện Quốc Oai đã lập được các vùng chăn nuôi tập trung ở nhiều xã như Cấn Hữu, Cộng Hòa, Tân Hòa, Đông Yên...
|
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai với tổng quy mô 80 con tới các các huyện có nhiều tiềm năng về con đại gia súc như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, và Gia Lâm.
Mục tiêu của mô hình này ngoài đáp ứng một phần cho nhu cầu con giống tại địa phương, sử dụng lao động nông nhàn gắn với việc chăn nuôi tận dụng sản phẩm phụ nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các hộ khó khăn còn mở ra hướng đi mới cho các họ khá giả với cách chăn nuôi quy mô, áp dụng kỹ thuật mới, với cách quản lý kinh tế, tìm kiếm thị trường khoa học.
|