Mới có 2 - 3% là mạ khay cấy máy
Thực tế thì gần 100% diện tích đã được cơ giới hóa khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch, riêng khâu gieo cấy mới chỉ đạt từ 2 -3%, lác đác xuất hiện ở các xã như Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Tân Hòa.
Ruộng lúa cấy máy ở Quốc Oai
Mặc dù chủ trương của UBND huyện khuyến khích áp dụng mạ khay, cấy máy từ năm 2012 nhưng loay hoay trong việc tìm kiếm những mô hình thích hợp nhằm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún từ ngàn đời của bà con là gieo mạ cấy tay. Để mở rộng được diện tích cấy máy thì khâu khó khăn nhất nhưng cũng then chốt nhất là sản xuất mạ khay.
Xác định như vậy nên vụ xuân năm 2018, Trạm Khuyến nông Quốc Oai được UBND huyện giao Trại sản xuất giống Khoai Ròi để triển khai sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy hoặc cấy tay tại với quy mô 15.000 khay cung ứng mạ khay đáp ứng cho 60 ha của các xã Sài Sơn, Phượng Cách, Tuyết Nghĩa, Tân Phú, Ngọc Mỹ, Đông Xuân, Liệp Tuyết và Yên Sơn.
Vụ mùa 2018, Trạm lại được giao tiếp tục với quy mô tăng lên 17.500 khay mạ đáp ứng cho 70 ha của các xã Yên Sơn, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Ngọc Mỹ, Đồng Quang. Để đảm bảo kịp thời vụ cấy cho các điểm đăng ký mạ khay gắn với cấy máy, Trạm Khuyến nông đã liên kết với HTX Nông nghiệp Việt Yên, Đông Thượng, xã Đông Yên sử dụng máy cấy 6 hàng có người lái.
Những việc làm trên mang tính đa mục đích: Thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện một trong 19 tiêu chí của mô hình xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích các HTX nông nghiệp, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ sản xuất mạ khay cấy máy phục vụ nhân dân. Nâng cao nhận thức cho người nông dân. Là nơi tham quan học tập cho người dân xung quanh mô hình.
Xuất tiền túi cá nhân cán bộ ra đối ứng
Theo anh Kiều Minh Khuê - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai, sau khi được giao chủ trương triển khai sản xuất mạ khay để phục vụ cấy máy, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình, gửi công văn cho các xã đề nghị cho thông báo rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh xã, thôn để nhân dân đăng ký số lượng và lập danh sách gửi về. Từ danh sách đăng ký đó, đến thời vụ, tổ dịch vụ mạ khay được thành lập gồm Trưởng, Phó trạm và 4 cán bộ của trạm đã trực tiếp tham gia vào sản xuất.
Cấy bằng tay vừa tốn chi phí vừa hại sức khỏe của nông dân
Với giá dịch vụ khoảng 250.000 đồng/sào đã bao gồm cả mạ khay và cấy bằng máy, so với giá cấy tay truyền thống thì phương pháp mới này rẻ hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/sào. Không chỉ có vậy, mạ khay cấy máy có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 5 - 7 ngày, giúp cho ruộng thông thoáng ít sâu bệnh, lúa đẻ nhánh khỏe, năng suất lúa đạt cao hơn so với cấy tay từ 7 - 10%.
|
Trạm cũng thuê thêm 7 - 8 lao động thường xuyên để gieo mạ, đưa mạ ra khu chăm sóc, thuê xe vận chuyển mạ đến tận ruộng giao cho các đơn vị HTX, các hộ xã viên đã đăng ký. Chuyển hàng ra tận ruộng cũng là cách phục vụ rất chu đáo của cán bộ khuyến nông. Ngoài ra đội ngũ này còn phối hợp với các chủ máy cấy tiến hành cấy lúa bằng máy cho các đơn vị, cá nhân đăng ký cấy máy.
Do là một hướng đi mới, lại chưa thành lập được Trung tâm Mạ khay trực thuộc Trạm Khuyến nông như của huyện Thạch Thất nên thời gian đầu nhà nước phải hỗ trợ một phần kinh phí để tổ dịch vụ mạ khay hoạt động.
Cụ thể vụ xuân 2018 hỗ trợ 30% khay, 30% giá thể và 100% giống; vụ mùa hỗ trợ 50% giống, 30% giá thể. Phần còn lại là do… tiền túi của chính cán bộ khuyến nông bỏ ra đối ứng. Bởi các trang thiết bị này khá đắt, nhất là việc mua một lúc cả chục ngàn khay chứa mạ nên cán bộ tham gia trong tổ dịch vụ phải xuất tiền nhà mỗi người ra vài chục triệu. Điều này vừa góp sức vào sản xuất vừa tăng thêm tính trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ tham gia.
Quá trình sản xuất mạ khay được chia thành 7 đợt ở vụ xuân và 6 đợt ở vụ mùa để kịp thời phục vụ cho các hộ xã viên cấy trong khung thời gian tốt nhất. Tổng lượng mạ khay gieo được lên tới 32.500 (vụ xuân 15.000 khay, vụ mùa 17.500 khay) cấp cho các xã Ngọc Mỹ, Đông Xuân, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Tân Hòa, Sài Sơn, Yên Sơn, Đồng Quang, Tuyết Nghĩa, Đông Yên. Như vậy đã có 10 trên 20 xã trên địa bàn huyện Quốc Oai biết đến cây mạ khay.
Tính ưu việt của nó thì có rất nhiều: Chủ động khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết, chủ động thời vụ, dễ chăm sóc và vận chuyển, chất lượng mạ tốt hơn (mạ đồng đều, cứng cây đanh rảnh), rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa... Kết quả ở vụ xuân vừa qua tại Quốc Oai đã chứng tỏ lúa cấy bằng mạ khay cho năng suất cao hơn so với cấy truyền thống 10 - 15%, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí thuốc trừ sâu.
Cũng như bất kỳ cái mới nào muốn đi vào cuộc sống, mạ khay cấy máy vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phá vỡ thói quen cố hữu của nông dân. Nhiều bà con chưa quen với việc cấy máy với tỷ lệ hàng cách hàng 30cm, cây cách cây từ 16cm; 1m2 là 24 khóm thưa hơn so với việc cấy bằng tay thủa xưa 35 – 45 khóm trên 1m2. Việc cấy bằng máy chưa diễn ra đồng loạt trên 1 xứ đồng nên việc di chuyển máy gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng cả đến thời gian cấy. Mạ khay giao cho nhiều điểm nên số khay bị thất thoát và hư hỏng nhiều ảnh hưởng đến số lượng khay cho những vụ sản xuất tiếp theo.
Tuy nhiên không vì khó khăn thế mà làm cho các cán bộ khuyến nông nhụt chí. Theo anh Kiều Minh Khuê - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai, chỉ trong một thời gian ngắn nữa đơn vị sẽ thành lập Trung tâm Mạ khay theo tiêu chuẩn Nhật Bản, nâng công suất của dây chuyền sản xuất. Để có thể tạo điều kiện cho Trung tâm này đứng vững và phục vụ tốt cho bà con, đề nghị UBND huyện, Phòng Kinh tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí triển khai cơ giới hóa nông nghiệp trong các vụ tiếp theo.
|