Mô hình sản xuất chè sạch theo chuẩn VietGAP tại xã Tân Thành, huyện Hàm Yên
Nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản đã trở thành đối tác lâu dài của một số doanh nghiệp sản xuất chè Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Văn Việt, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu cây chè, ngành chè Tuyên Quang đã có sự thay đổi cả về chất và lượng. So với năm 2013, đến nay diện tích chè của tỉnh là 8.735,5 ha, tăng 376,7 ha; năng suất chè búp tươi tăng từ 72,7 tạ/ha lên 80,4 tạ/ha; sản lượng búp tươi hàng năm đạt trên 65.000 tấn/năm; giá trị trị sản xuất chè chiếm 7,64% trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh.
Trong cơ cấu giống chè của tỉnh Tuyên Quang cũng có sự thay đổi tích cực, giống chè trung du có khoảng 4.100 ha, chiếm 47,4%, giảm 6,6% so với năm 2013; 2.800 ha chè lai, chiếm 30% diện tích toàn vùng, tăng 3,5% so với năm 2013; 286 ha các giống chè đặc sản như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Kim Tuyên, Ngọc Thúy, tăng 1,15 so với năm 2013…
Thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, chú trọng quy trình sản xuất sạch, đến nay toàn tỉnh có 44,17 ha chè được chứng nhận VietGAP; tổ chức Rainforest đã cấp giấy chứng nhận cho 825 ha chè nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm và Công ty cổ phần Chè Tân Trào đủ tiêu chuẩn. Nhờ sản xuất sạch, giá trị và thương hiệu của sản phẩm chè Tuyên Quang được nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Vùng chè đặc sản của HTX Sử Anh, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn
HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn là đơn vị sản xuất chè sạch nổi bật của Tuyên Quang. Mùa này đúng dịp thu hoạch chè rộ, những tốp nhân công HTX thuê có ngày lên tới 50 người. Do là đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm chè chất lượng cao như Ngọc Thúy, Bát Tiên nên việc thu hái đòi hỏi công phu hơn. Thay vì hái bằng máy, việc thu hái hoàn toàn làm bằng thủ công, đảm bảo thu hoạch mỗi búp chè 1 tôm, 2 lá; chè mang từ vườn về không được dập nát.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX cho biết, gia đình anh có truyền thống làm chè hơn 10 năm nay. Trước đây sản xuất chè kiểu truyền thống, chưa chú ý đến quy trình sạch nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày trồng chè đặc sản và áp dụng quy trình VietGAP, chè có giá trung bình là 550.000 đồng/kg. Với hơn 30 ha vùng nguyên liệu, mỗi năm HTX cung ứng 30 tấn chè khô ra thị trường.
Anh Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, trung bình mỗi năm công ty sản xuất được 2.000 đến 2.300 tấn chè, trong đó gần 70% sản lượng đạt chuẩn Rainforest, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản. Duy trì và phát triển kết quả này, công ty đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết giữa nhà máy với các tổ đội sản xuất. Tại các vùng sản xuất chè, người dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.
Gần 70% sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm đạt chuẩn Rainforest
Thực hiện đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thu hút hợp tác đầu tư, toàn tỉnh hiện có 10 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa.
Một số sản phẩm chè có thương hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ như chè Bát Tiên Mỹ Bằng được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; chè Shan Kia Tăng, xã Hồng Thái có giá trị kinh tế khá cao. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, như Nga, Pakistan, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước châu Âu…
|