Trung bình mỗi năm tiền lãi từ cung ứng giống, phân bón của HTX nông lâm nghiệp Trung Môn,
huyện Yên Sơn chỉ khoảng 10 triệu đồng
Riêng trong năm 2018 đã bố trí 841 triệu đồng để tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ HTX; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 10 HTX để xây dựng và nhân rộng các HTX hoạt động có hiệu quả; thành lập mới 25 HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có phương án sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Trong đó, đã trình Sở Tài chính tỉnh thẩm định kinh phí hỗ trợ năm 2017 với tổng số tiền là 680 triệu/17 HTX thành lập mới.
Trong năm 2017, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã đồng hành cùng các HTX thực hiện kết nối thành công với các thị trường tiêu thụ nông sản ở Hà Nội, Nghệ An… Kết quả, đã kết nối tiêu thụ được 616 tấn cam sành, gần 1.900kg chè các loại, miến dong Hợp Thành 46,7 tấn; 6.268 lít mật ong; hỗ trợ HTX nông lâm nghiệp Tân Hợp xây dựng mô hình HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ chè VietGAP, tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ 18 HTX đăng ký 20 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khu nguyên liệu chè theo chuẩn VietGAP của HTX chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương
Ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong số những HTX ở Tuyên Quang, số hoạt động hiệu quả chiếm chưa đến một nửa. Những HTX hoạt động hiệu quả như HTX chăn nuôi ong Phong Thổ, HTX Nông Lâm nghiệp Nhữ Hán, HTX chè Vĩnh Tân, HTX Ỷ La, HTX Phong Lưu… đều do người đứng đầu khá năng động. Họ luôn xác định HTX hoạt động hiệu quả là vì lợi ích của cộng đồng và của chính gia đình mình. Vì vậy, đã có HTX doanh thu hàng chục tỷ đồng.
HTX chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là một trong những đơn vị xây dựng thành công mô hình HTX trên địa bàn tỉnh. Đến nay trung bình mỗi năm HTX sản xuất được 20 tấn chè. Với phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại, năng suất bình quân trong sản xuất chè của HTX đạt 12 - 14 tấn/ha. Năm 2017, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Tuyến, thành viên Hội đồng quản trị của HTX Vĩnh Tân cho biết, để có thành quả, HTX đã qua 3 lần củng cố lại về vấn đề nhân sự. Hiện tại, HTX có 10 thành viên và hoạt động khá ổn định. Diện tích vùng nguyên liệu là 17ha. Ngoài ra, HTX cũng thực hiện mở rộng quy mô liên kết với các hộ trồng chè, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP, đồng thời, hỗ trợ cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra với diện tích lên tới gần 500ha. Năm 2017, sản phẩm chè đặc sản của HTX đạt Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam.
Sản phẩm rau an toàn của HTX Tân Hợp, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đã được Cục Sở hữu trí tuệ,
Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu
HTX Nông lâm nghiệp Nhữ Hán (Yên Sơn) hiện có hơn 400 thành viên. HTX luôn nỗ lực cải cách bộ máy cũng như các dịch vụ cung ứng. Ông Nguyễn Bút Kỳ, Giám đốc HTX cho biết, trước đây dịch vụ chủ yếu của HTX là cung ứng dịch vụ giống vật tư nông, lâm nghiệp và nguồn kinh phí thu bù thủy lợi phí. Tuy nhiên, nếu chỉ hoạt động ở lĩnh vực này HTX sẽ không có lãi. HTX đã huy động vốn từ thành viên phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ và sản xuất sản phẩm miến dong. Đến nay, tổng vốn hoạt động trong lĩnh vực tín dụng nội bộ là hơn 10 tỷ đồng, lãi suất áp dụng tương đương với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản xuất hơn 3 tấn miến dong/năm.