Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ
Vượt qua khó khăn để phát triển
Thưa ông, triển khai thực hiện TCC ngành Nông nghiệp như Đề án của Chính phủ, Thừa Thiên - Huế phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì?
Căn cứ Đề án TCC ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã xác định những khó khăn, thách thức cần giải quyết khi thực hiện TCC nông nghiệp đó là tăng trưởng nông nghiệp ổn định (bình quân ở mức 2,5 - 3%/năm) nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. SX nông nghiệp dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Cơ cấu kinh tế nông thôn chủ yếu vẫn là thuần nông (SX nông nghiệp chiếm 80%, trong nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt, chiếm 70%). Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu.
Cùng với đó là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu SX nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức SX thiếu hiệu quả. Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cty TNHH Nhà nước 1 thành viên vẫn còn hạn chế. HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác trong SX nông nghiệp quy mô nhỏ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX thấp, chưa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho hoạt động SX của nông hộ. Các hình thức liên kết trong SX còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế.
Thu nhập người dân nông thôn tăng 1,56 lần
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện của lãnh đạo tỉnh nên nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau 5 năm thực hiện TCC. Xin ông cho biết những thành quan trọng tựu đó?
Trước hết là tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Nông nghiệp năm 2017 đạt 2,74%. Tỷ trọng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm 11,6% trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân trên 330 ngàn tấn/năm, đáp ứng an ninh lương thực và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,3%; dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.
Mô hình liên kết sản xuất lúa của Thừa Thiên - Huế
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết khai thác, chế biến thủy hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tiếp tục được duy trì tốc độ phát triển ổn định, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản năm 2017 gần 57 triệu USD, tăng gần 8 lần so với năm 2013. Tổng số tàu xa bờ 453 chiếc, tăng 205 chiếc, trong đó tàu 400CV trở lên 260 chiếc tăng 223 chiếc so với năm 2013. Khai thác kinh tế vùng đầm phá và kinh tế biển đi đôi với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo Tổ quốc luôn được tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định là nhiệm vụ quan trọng.
|
Diện tích lúa chất lượng cao năm 2018 đạt gần 16 ngàn ha, tăng gần 6.700ha so với năm 2013. Cánh đồng lớn đạt 4.160ha (năm 2013 chỉ có 100ha). Đặc biệt diện tích cánh đồng lớn có liên kết gần 1.800ha (70 cánh đồng).
Nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được mở rộng diện tích lúa lên 2.100ha; rau các loại gần 100ha; sản xuất lúa hữu cơ gần 300ha. Sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính diện tích gần 21 ngàn m2, chuyển đổi hơn 1.500ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao.
Chất lượng đàn gia súc gia cầm tăng cao, so với năm 2013 đàn bò lai tăng 75%; đàn lợn nạc tăng 48%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại phát triển.
Toàn tỉnh có 71 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, trong đó có 15 trang trại có hợp tác liên kết. Lâm nghiệp ổn định và phát triển bền vững, trong đó trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng FSC hơn 7 ngàn ha. Sản lượng gỗ rừng trồng ước đạt 600 ngàn m3 , tăng gấp 3 lần so với năm 2013.
Liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất
Thực hiện TCC nông nghiệp ở một địa phương có ngân sách không lớn lắm, trong khi đó để phát triển nông nghiệp cần phải có đầu tư chiều sâu. Vậy theo ông đâu là hướng đột phá trước mắt để nông nghiệp Thừa Thiên - Huế được bền vững hơn?
Chúng tôi xác định hướng đột phá trước mắt đó là tập trung thực hiện chính sách khuyến khích phát triển SX nông nghiệp, thực hiện TCC ngành nông nghiệp một cách có chiều sâu hơn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Tổ chức SX theo hướng liên kết nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, tăng quy mô hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển liên kết sản xuất, theo các hướng liên kết giữa người sản xuất thông qua các hình thức hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã) để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm. Hình thành cánh đồng lớn, vùng SX tập trung, vùng cộng đồng nuôi trồng thủy sản, vùng nguyên liệu rừng trồng… Khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất trong chuỗi giá trị hàng hóa. Nhân rộng các chuỗi giá trị đã có như lúa chất lượng cao, giống lúa xác nhận, lợn thịt, bò thịt, tôm ...
Đội tàu thuyền khai thác thủy hản sản hùng mạnh của địa phương
Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh, tu sửa hệ thống thủy lợi; thực hiện tốt công tác QLBVR, quản lý chất lượng, đảm bảo ATVSTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng bổ sung các nghề mới phù hợp với thực tiễn sản xuất ở các địa phương, gắn với các vùng nguyên liệu của tỉnh.
Đấy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ông có thể khái quát những giải pháp căn cơ để tiếp tục thực hiện TCC ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế đến năm 2020 và tầm nhìn 2025?
Tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2015 - 2020 để thực hiện TCC ngành nông nghiệp một cách phù hợp, hiện đại hơn. Cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú trọng chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm.
Nhân rộng mô hình rau sạch ở huyện Quảng Điền
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất, bảo quản chế biến… Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông lâm nghiệp.
Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu nhập người dân nông thôn vẫn còn thấp
Bức tranh nông thôn Thừa Thiên - Huế tuy đã có bước chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được cải thiện, nhưng so với mặt bằng chung thì nông thôn vẫn nghèo và phát triển chậm, thu nhập của người dân nông thôn vẫn còn thấp. Tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể song vẫn còn cao và thiếu bền vững (tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2015 còn 5,9%), dễ tái nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Ô nhiễm môi trường tăng, đặc biệt ở các làng nghề chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Nhiều tài nguyên bị khai thác quá mức. Tình trạng sản xuất thâm canh người dân đang sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, chất kích thích sinh trưởng và các vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung thiếu bài bản, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm mạnh. Ngoài ra ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi thất thường. Sự cố môi trường biển năm 2016 cũng gây nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp Thừa Thiên - Huế...
|
Đến hết năm 2017, Thừa Thiên - Huế đã có 30 xã đạt chuẩn NTM trong 104 xã đăng ký. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt xấp xỉ 26 triệu đồng tăng 1,56 lần so năm so với năm 2013. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM luôn được quan tâm. Phấn đấu đến năm 2020 Thừa Thiên - Huế đạt mục tiêu 59% số xã (61 xã) và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
|