Rau hữu cơ là xu hướng tất yếu
Mô hình nông nghiệp hữu cơ đầu tiên tại Hà Nội triển khai năm 2008 với Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU - ADDA tài trợ sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn khi tổ chức được 10 nhóm nông dân với diện tích 13 ha.
Năm 2012, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp với xã Thanh Xuân, trực tiếp là Hội Nông dân xã Thanh Xuân triển khai các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau hữu cơ để phát triển diện tích và phát triển nhóm nông dân. Kết quả, năm 2012 - 2016 đạt 26 nhóm nông dân (tăng 16 nhóm với 8 - 10 hộ/nhóm), tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 34 ha (tăng 21 ha).
Các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Thanh Xuân tổ chức sản xuất theo 2 hình thức. Thứ nhất là sản xuất tập trung theo nhóm, các thành viên trong nhóm góp đất, cùng làm, chấm công, chia đều lợi nhuận kinh tế. Thứ hai là sản xuất theo hình thức riêng lẻ, kế hoạch sản xuất làm theo phương án chung của nhóm, nhưng diện tích của từng hộ trong nhóm tự chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ chung theo nhóm.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, ngoài sản xuất rau hữu cơ theo các nhóm nông dân, một số doanh nghiệp cũng bắt đầu tham gia sản xuất rau hữu cơ như: Công ty Việt Liên diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 3 ha trên địa bàn quận Long Biên; Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt 10 ha trên địa bàn huyện Thạch Thất; Công ty Hoa Lâm Viên chuyên sản xuất các loại rau bản địa hữu cơ.
Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động theo hình thức quản lý sản xuất tập trung, như thuê ruộng, thuê nhân công để tổ chức sản xuất. Sản lượng rau hữu cơ tiêu thụ trung bình của các nhóm hộ sản xuất từ 40 - 50 tấn, Việt Liên 10 - 12 tấn, Sinh thái Hòa 25 - 30 tấn.
Rau hữu cơ tại Hà Nội hiện được bày bán tại 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý bán rau hữu cơ như: Sói Biển, Haprofood, Vian food, AEON Mall, Unimart, Vinmart, 9 Food, Ecofood, Donavi, Top Green… giá thu mua rau củ quả các loại ổn định trung bình 15.000đ/kg, bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất có mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí.
Bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân chia sẻ, mô hình sản xuất rau hữu cơ đã tạo vùng chuyên canh, cải thiện môi trường đất, nước, đặc biệt là môi trường làm việc của chính người nông dân Thanh Xuân. Hiện rau hữu cơ Thanh Xuân đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Bà Hậu chia sẻ thêm, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, nông dân không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm hóa học nào. Để phòng trừ sâu bệnh gây hại, bà con dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ sâu bệnh thủ công. Người trồng chỉ bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ hoai mục trước đó 3 tháng. Sau khi bón phân, đúng thời gian cho phép mới được thu hoạch. Toàn bộ nước tưới đều được xét nghiệm bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng.
Chủ nông trại hữu cơ Tuệ Viên thuộc Công ty Việt Liên Nguyễn Thị Phương Liên chia sẻ: Điều khó khăn nhất khi làm nông nghiệp hữu cơ đó là việc cải tạo đất và tuân thủ tiêu chí cách li. Để nguồn đất trồng được đạt chỉ tiêu hữu cơ, Tuệ Viên phải mất gần 7 năm để cải tạo đất từ những lò gạch cũ để lại. Bên cạnh đó, Tuệ Viên cũng phải hi sinh một diện tích rất lớn để làm hàng rào cách li xung quanh nông trại ngăn nguồn nước, thuốc BVTV từ các vùng lân cận tràn sang.
Theo bà Liên, một trong những tiêu chí cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là cân bằng đa dạng sinh thái. Do đó, trong một khu vườn 2,3 ha, rau hữu cơ chỉ chiếm 70% diện tích trang trại, còn lại 30% là các loại cây thu hút thiên địch, dẫn dụ và xua đuổi.
Do đó, bà Liên mong nông nghiệp hữu cơ không cơ trở thành phong trào, bởi khi đó nông nghiệp hữu cơ sẽ không còn là nông nghiệp hữu cơ nữa. Bằng chứng là hiện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xuất hiện bạt ngàn cửa hàng bán rau hữu cơ, song đấy có phải là hữu cơ thực chất đáp ứng đúng theo tiêu chí hay không cũng cần phải xem xét lại.
|