Nhân rộng mô hình keo lai nuôi cấy mô (04/03/2019)

Tỉnh Tuyên Quang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên, trung bình mỗi năm trồng rừng được gần 12.000 ha, khai thác trên 800.000 m3 gỗ, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 60%. Đó là lợi thế để tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, gắn với công nghiệp chế biến và thương mại.

Để đưa nhanh giống keo lai nuôi cấy mô vào sản xuất trồng rừng gỗ lớn và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật; từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Yên Sơn, Sơn Dương triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô, với quy mô 78 ha/40 hộ tham gia, trong đó năm 2017 trồng được 42 ha, tại xã Xuân Vân và xã Trung Trực (huyện Yên Sơn), năm 2018 trồng được 36 ha tại xã Lương Thiện và thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương).


Cán bộ khuyến nông kiểm tra sinh trưởng của cây keo nuôi cấy mô tại xã Lương Thiện

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống keo lai mô và 50% phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, từ khâu xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón phân đến kỹ thuật trồng, chăm sóc...

Qua theo dõi mô hình tại các hộ cho kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cây keo mô sinh trưởng, phát triển nhanh, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh hại, chiều cao và đường kính của cây vượt từ 15-20% so với diện tích đối chứng.

Năm 2018, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bắc thôn Đồng Tậu, xã Lương Thiện tham gia mô hình trồng 4,2 ha rừng keo lai nuôi cấy mô, được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; sau 6 tháng trồng, tỷ lệ cây sống đạt 95%, cây keo mô sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh hại.

Ông Bắc cho biết, so với những năm trước gia đình trồng rừng bằng cây hom và trồng hạt thì năm nay trồng bằng cây  mô của dự án cho kết quả khác hẳn, chiều cao và đường kính của cây mô tăng từ 1,2-1,5 lần so với cây hom, cây ít bị đổ gãy hơn; sau khoảng 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Phạm Thị Đào, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân tham gia mô hình từ năm 2017, trồng 1,3 ha, đến nay tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, chiều cao cây bình quân đạt 4,5 m, đường kính bình quân D1.3 m đạt 5-7cm; hiện rừng đã khép tán.

Bà Đào cho biết cây giống keo lai mô do dự án cấp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, sinh trưởng nhanh, ít bị gãy đổ do gió bão; dự kiến năng suất rừng sẽ tăng gấp 2 lần so với trước (từ 60-70 m3/ha tăng lên 100 - 120 m3/ha). Ngoài ra bà còn nhiệt tình hướng dẫn các hộ trong thôn nhân rộng mô hình tại địa bàn; kế hoạch năm 2019 gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng keo lai mô với quy mô 01 ha.

Theo ông Bùi Thu Thủy - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tuyên Bình, từ năm 2015 đến nay, Công ty đã trồng được trên 100 ha rừng từ giống keo lai nuôi cấy mô, so sánh với giống keo lai hom thì keo lai nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội như: Trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng cây keo lai nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh hơn, đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai hom, có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn do cây giống sạch bệnh, có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh, rừng ít bị rủi ro hơn và trồng với mật độ thưa (1.460 cây/ha) nên giảm chi phí về cây giống, phân bón, nhân công lao động, dự kiến sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Thông qua thực hiện mô hình, cùng với sự quan tâm của các cấp các ngành, các công ty lâm nghiệp trong tỉnh và thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021; năm 2018 toàn tỉnh đã trồng rừng được 859 ha cây keo lai nuôi cấy mô, trong đó từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, các hộ dân đã trồng được 626 ha; 08 công ty lâm nghiệp trong tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên trồng được 197 ha, mô hình khuyến nông trồng được 36 ha.

Hiện toàn tỉnh có 23 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đủ phục vụ nhu cầu cây giống trồng rừng hàng năm; trong năm 2018 diện tích trồng keo tai tượng giảm 43,75%, diện tích trồng keo lai hom giảm 30,86%, diện tích trồng keo lai mô tăng lên 22,5% đây là tín hiệu tốt cho ngành lâm nghiệp của tỉnh để nhanh chóng mở rộng diện tích trồng rừng bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô. Hiện Trung tâm Thực nghiệm thực hành và Chuyển giao khoa học công nghệ thuộc Trường Đại học Tân Trào đã có nhà nuôi cấy mô với diện tích 433m2, công suất 1,6 triệu cây/năm; nâng cấp cải tạo tầng 2 nhà nuôi cấy mô cũ; nhà luyện cây, ươm cây diện tích 200 m2 sử dụng để luyện cây, ươm cây giống được sản xuất từ nhà nuôi cấy mô trước khi đưa ra vườn ươm.

Từ kết quả mô hình đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo ra những diện tích rừng có ưu thế vượt trội so với diện tích rừng trồng đại trà hiện nay.

Thời gian tới, hệ thống Khuyến nông của tỉnh tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao của tỉnh để phục vụ nhu cầu trồng rừng năm 2019 trên địa bàn các huyện, thành phố đảm bảo thời vụ và đạt chất lượng.

Theo ĐINH VĂN TAM (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 171
Tổng truy cập: 39333740