Ngày 26/9, Bộ TT-TT phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Hội nghị hướng đến mục tiêu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phát triển mô hình kinh doanh. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp phù hợp để ứng dụng và phát triển nông nghiệp thông minh thời gian tới.
Nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng) nâng cao giá trị sản xuất nhờ áp dụng mô hình công nghệ cao vào sản xuất.
Theo các đại biểu, việc áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa vào sản xuất không chỉ tăng năng suất lao động mà còn tăng giá trị cho sản phẩm. Các vấn đề như dự báo thời tiết, kiểm soát dịch bệnh hoặc dự báo thị trường được giải quyết giúp nông dân chủ động trong sản xuất.
Một đại diện của VinEco cho biết thời gian qua, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ và tự động hóa vào sản xuất một cách hiệu quả. Ngoài ra, nhờ sự ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp đã giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm giúp cải thiện niềm tin. VinEco đang phát triển các phần mềm như truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý trồng trọt cho hộ sản xuất…
Hiện nay, Lâm Đồng là địa phương thuộc “TOP” đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã có nhiều mô hình công nghệ cao như camera theo dõi
sự sinh trưởng của cây, các loại thiết bị cảm biến hoặc nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh…
Nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả trong sản xuất nhưng nhiều nông dân chưa thể triển khai do hạn chế về vốn hoặc quy mô còn nhỏ lẻ.
Theo Hội Nông dân Lâm Đồng, tỉnh có 56.000ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những mô hình này cho giá trị sản xuất trung bình khoảng 400 triệu đồng mỗi ha. Đặc biệt, mô hình sản xuất hoa đạt giá trị 1,2 tỷ đồng và rau thủy canh đạt tới 8-9 tỷ đồng/ha. Hiệu quả cao nhưng hiện nay, diện tích áp dụng công nghệ thông tin của Lâm Đồng chỉ chiếm 20% trong tổng diện tích canh tác.
Các đại biểu nhận định, việc áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất đã làm ngành nông nghiệp thay đổi, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên người làm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn còn hạn chế, quy mô sản xuất chưa cao. Hơn nữa, giá cả thị trường liên tục biến động cũng là nhân tố tác động đến sự chậm áp dụng công nghệ trong sản xuất. Do vậy, cần mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng để đi đến giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy sự phát triển.