Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Cần Thơ giúp nông dân làm lúa có lợi nhuận trên 30%.
Ban Quản lý dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Cần Thơ (VnSAT CầnThơ) vừa tổ chức tọa đàm “Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thúc đẩy tái cơ cấu SX nông nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng, hiệu quả”.
Cần Thơ một trong 8 tỉnh, thành ĐBSCL triển khai dự án VnSAT. Mục tiêu chung của dự án là đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, giúp nông dân tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ, Phó Giám đốc dự án VnSAT Cần Thơ cho biết: Dự án được triển khai trên 4 quận, huyện SX nông nghiệp trọng điểm của Cần Thơ, như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt với gần 40.000ha SX lúa và hơn 32.000 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu nhằm gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân SX lúa gạo thông qua áp dụng các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” góp phần giảm chi phí SX, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Dự án còn giúp làm giảm tác động tiêu cực với môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa. Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo bà Hiếu, hiện tại VnSAT Cần Thơ đang mang lại kết quả cao cho người trồng lúa. Đến nay có 22.472ha chiếm 75% diện tích trong vùng dự án đã áp dụng thành thạo chương trình “3 giảm 3 tăng” và 11.236 ha được áp dụng “1 phải 5 giảm”. Trên 10.000ha áp dụng kỹ thuật tiên tiến được liên kết củng cố xây dựng 20 tổ hợp tác và HTX và tiếp cận doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá cao hơn so với thị trường vài trăm đồng/kg lúa.
Đã đào tạo gần 553 lớp học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” với tổng số nông dân tham dự 26.635 người, để áp dụng trên diện tích ruộng lúa 34.504ha. Ngoài ra còn thực hiện 123 điểm trình diễn. Đào tạo 352 lớp học kỹ thuật “1 phải 5 giảm” thu hút 15.783 nông dân tham dự và được áp dụng trên 22.000ha đất lúa.
Dự án VnSAT Trung ương chọn HTX nông nghiệp Hiếu Bình (huyện Vĩnh Thạnh) làm mô hình thí điểm hỗ trợ từ SX đến tiêu thụ lúa gạo. HTX áp dụng thành thạo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và VietGAP… tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo cấp vùng.
Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường nông sản và biến đổi khí hậu luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Để dự án luôn đảm bảo được mục tiêu cũng như hiệu quả đề ra, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (ĐH Cần Thơ) nhận định: Cần tăng cường áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào SX, phát triển SX theo quy mô cánh đồng lớn, cơ giới hóa SX, tạo ra chuỗi giá trị mà trong đó doanh nghiệp với nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau.
"Từ kết quả thực tế thời gian qua cũng cho thấy việc làm này vừa bảo đảm cho doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu SX, chế biến xuất khẩu với chất lượng cao được kiểm soát, còn nông dân thì không lo gặp khó khăn về đầu ra", ông Sánh nói.
Áp dụng biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Chúng ta phải SX lúa gạo theo hướng bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu trong thời điểm hiện nay. Đây cũng là mục tiêu tái cơ cấu ngành lúa gạo của theo NQ 120 của Chính phủ. Cần chọn những giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao và đặc biệt phải thích nghi với biến đổi khí hậu mà vẫn đảm bảo được năng suất và lợi nhuận cho nhà nông.
"Có thể nói chương trình VnSAT đang triển khai rất tốt và thuận lợi tại 8 tỉnh, thành ĐBSCL, giúp nông dân có ý thức cao hơn việc SX lúa gạo. Thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ để đảm bảo cả về mặt quy mô lẫn chất lượng và an toàn thực phẩm, hướng đến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Lê Thanh Tùng chia sẻ.
|