Anh Tân chăm sóc cam đường Canh.
Trải lòng về những chuỗi ngày nông nổi, anh Tân cho hay: “Giá như ngày ấy xác định đúng hướng được như bây giờ, thì tiềm lực kinh tế gia đình em sẽ không còn gì phải nói!”.
Chẳng là cách nay hai chục năm, ở độ tuổi mười tám đôi mươi, với ước mơ nhanh chóng thoát khỏi cuộc sống nhà quê chân lấm tay bùn, Tân đã xin được vào làm công nhân lái máy xúc tại một doanh nghiệp xây dựng cầu đường của nhà nước, với mức lương khá cao.
Nhưng rồi cuộc sống xa nhà, việc làm nay đây mai đó, lại thêm tính thanh niên nông nổi, có tiền là rượu chè quán xá, tá lả, lô, đề. Thành thử mọi sức lực của Tân bỏ ra trên các công trường xây dựng bấy lâu đều trở thành “dã tràng xe cát...”. Để rồi hơn mười năm lăn lộn san xúc khắp nơi, không những không để dư ra được đồng nào, mà còn thường xuyên ứng trước lương tháng.
Bước ngoặt chỉ xảy ra sau một lần về thăm người thân đau ốm, không những không đỡ được tiền thuốc men cho nhà, lại còn ngửa tay xin vợ lộ phí đi đường.
Quá tủi hổ với phận làm trai! Tân quyết định quẹo ngang – nghỉ việc nhà nước về kinh doanh rau, quả ở quê.
Nói kinh doanh cho nó sang, chứ thật ra cũng chỉ là mua đầu chợ bán cuối chợ, hoặc mua ở nơi này bán sang nơi khác. Cuộc sống của gia đình tuy có khá hơn chút đỉnh, nhưng vẫn cứ ráo mồ hôi là hết tiền.
Nhận thấy không có khả năng làm giàu bằng nghề buôn bán, Tân đã bàn với vợ, mua lại 0,4ha vườn cam đường Canh của người làng đã trồng được 2 năm tuổi. Rồi nhờ bạn bè cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho cách vạch lá tìm sâu, bới đất nhặt cỏ, bón phân cân đối, chặn rễ kích hoa và khoanh thân “giữ quả”...
Bằng lối đi tắt đón đầu này, chỉ chưa đầy một năm, Tân đã có lãi hơn 300 triệu đồng thu nhập từ vườn cam trên. Với Tân đây là nguồn thu rất lớn, trong mơ cũng chưa bao giờ nghĩ đến.
Không dừng lại ở thành công ban đầu, Tân tiếp tục xin khất lại nợ nần, tích tụ thêm ruộng vườn, tái sản xuất mở rộng.
Kết quả sau 5 năm cần mẫn, Tân đã xây dựng, sở hữu thành công trang trại 3,9 ha cam đường Canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Cuối năm 2019 vừa qua đã cho thu hoạch được trên 40 tấn quả các loại, doanh thu 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận trên 700 triệu đồng và từng bước trả được vốn vay ngân hàng.
Trồng rau dưới luống Cam, lấy ngắn nuôi dài.
Để có được những con số “biết nói” trong điều kiện vốn liếng “ăn đong” như trên, Tân đã phải tính toán rất căn cơ theo hướng, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, bao gồm: Tự sản xuất cây giống trồng cho vườn cam ở thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Chọn trồng cam đường Canh để nhanh có thu nhập cao. Trồng xen các loại rau cải canh, mùi tàu, thì là, hành hoa, cần tây dưới vườn các cây chưa khép tán để gia tăng thu nhập.
“Vào những tháng giáp vụ rau và ngay sau tết Nguyên đán, chỉ cần sạ một vài ký hạt cải canh trong các luống cam chưa khép tán, 25-30 ngày sau sẽ cho thu tới cả chục triệu đồng”, Tân tiết lộ.
Sở dĩ Tân chọn đầu tư thâm canh giống cam đường, vì quả loại quả này thường bán được giá cao gấp bội so với các giống cam khác và dễ thâm canh theo qui trình VietGAP, nên sớm cho thu nhập cao. Tuy nhiên, giống cam đường Canh có nhược điểm đòi hỏi kỹ thuật cao, cần bỏ nhiều công sức lao động, những khâu này lại nằm trong tầm tay của Tân.
Nhờ những cách làm nói trên, Tân đã dành được phần lớn số tiền thu được hàng năm, ưu tiên cho thuê nhượng tích tụ ruộng canh tác, mở rộng diện tích gieo trồng, đầu tư đồng bộ hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ cao cho hầu hết diện tích cây ăn quả.
Anh Tân cho biết: Nếu không phải là người từng dãi nắng dầm mưa trên các công trường xây dựng, thì khó có thể quen ngay được với cường độ lao động cao theo hướng lấy công làm lãi, lại thường xuyên phải ngủ lại trông vườn trong nhà lều mái tôn hầm hập, nhất là vào những tháng mùa hè nắng nóng chói chang, để bắt đầu từ nay có nguồn thu nhập gia tăng ổn định, cho thực hiện ước mơ “soái ca” cam VietGAP.
“Không chỉ xây dựng thành công trang trại cam VietGAP của chính mình, anh Tân còn là thành viên sáng lập HTX cây ăn quả VietGAP Yên Phú, qui mô 30 ha gồm 11 xã viên tham gia”, ông Nguyễn Văn Cao - Trưởng thôn Mễ Hạ (Yên Phú) cho biết.
|