Bà con trong HTX hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất.
Trồng hữu cơ không khó!
Hiện mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi đúng đắn và là mục tiêu phát triển bền vững mà nhiều HTX hướng đến.
Nắm bắt xu hướng đó, HTX Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng ra đời, với 30 xã viên, tổng diện tích sầu riêng là 37,3 ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX Nông Thành Phát đang là đầu tàu của địa phương trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Với diện tích hơn 2 ha, trước đây anh Trần A Lộc, thành viên HTX Nông Thành Phát trồng tiêu, cà phê. Sau này, nhận thấy giá trị kinh tế của cây sầu riêng nên anh chuyển đổi sang trồng loại cây này.
Tham gia HTX giúp anh Lộc có thêm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vườn cây như: được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu… Với cách làm này anh Lộc tiết kiệm rất nhiều chi phí trong sản xuất, cây vẫn sinh trưởng tốt, bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Anh Trần A Lộc chăm chút từng quả sầu riêng chờ thu hoạch trong 1 tháng tới.
Anh Lộc cho biết, trồng sầu riêng hữu cơ thật ra không khó, nhưng để quen với cách làm hữu cơ này lại là một quá trình. Việc thay đổi tư duy của người nông dân, quyết tâm thay đổi cách làm truyền thống, bỏ thuốc BVTV và phân bón hóa học trong canh tác rất quan trọng.
Hiện 2 ha sầu riêng của anh đang trong thời kỳ thu hoạch, nhờ tuân thủ tuyệt đối quy trình canh tác của HTX, quả ra không những đều, đẹp, mà năng suất rất cao. Dự kiến năm nay anh Lộc thu về trên 20 tấn sầu riêng loại 1, giá hợp đồng đơn vị thu mua đã ký kết 35.000 đồng/kg giúp anh thắng lớn.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc HTX Nông Thành Phát chia sẻ, với phương pháp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã ký kết được hợp đồng với một doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm với giá thu mua luôn cao hơn thị trường trên 10%.
Với sản lượng trung bình đạt khoảng 100 tấn/năm, trong niên vụ 2019, bình quân 1 ha cho doanh thu khoảng 800 triệu, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 50%. Ước năm 2020 hiệu quả kinh tế tương đương năm 2019, vì thế, nếu so sánh với các cây trồng khác thì cây sầu riêng đang đem lại hiệu quả gấp nhiều lần trên cùng diện tích.
Bà con HTX áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
“HTX đang tiếp tục hướng đến xây dựng chuẩn GlobalGAP, đồng thời mở rộng thêm đối tác liên kết để tiếp cận các thị trường xuất khẩu, kết nối với các công ty để đưa sầu riêng sang thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm như châu Âu, Nhật Bản...”, ông Hòa tự tin nói.
Còn nhiều băn khoăn…
Bà Nguyễn Thái Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH ông nghiệp hữu cơ BP cho biết, trung bình mỗi năm Công ty xuất khẩu qua Trung Quốc trên 500 tấn sầu riêng. Hiện Trung Quốc siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đợt dịch Covid - 19, hàng chục tấn hàng của Công ty bị kẹt lại tại các cửa khẩu.
Toàn bộ diện tích sầu riêng của bà con HTX áp dụng công nghệ tưới tự động.
Điều trăn trở nhất là sầu riêng Việt Nam được nhiều đối tác đánh giá chất lượng cao hơn, ăn ngon hơn sầu riêng một số nước, nhưng chúng ta lại chưa tận dụng được lợi thế vì yếu thương hiệu.
Bà Huyền chia sẻ thêm, trong khi chờ cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua sầu riêng cho bà con theo hợp đồng đã ký kết cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%. Mặt khác, bên cạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, đơn vị phối hợp một số đối tác đẩy mạnh việc chế biến sâu sản phẩm sầu riêng, trong đó việc cấp đông múi sầu riêng theo quy trình khép kín đang là ưu tiên hàng đầu.
Bẫy côn trùng được bà con áp dụng triệt để trong canh tác hữu cơ.
Hiện nhà máy cấp đông quy mô 30.000 tấn của Công ty đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sắp tới khi sầu riêng Bình Phước vào mùa thu hoạch rộ, nhà máy chính thực đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ giải bài toán đầu ra và thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, HĐND tỉnh Bình Phước vừa thông qua Nghị quyết số 07 quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với nhiều cơ chế thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đơn vị bao tiêu sản phẩm đến tận vườn thu mua cho bà con.
Theo bà Tuyết, nhà nông và cả doanh nghiệp muốn lấy được nguồn vốn hỗ trợ theo chủ trương, chính sách của tỉnh, trước hết phải biết liên kết, biết xây dựng, biết hoạch định bằng được phương thức, quy mô đầu tư sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản của chính mình. Nếu không làm được điều này, chúng ta không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà còn lãng phí cả trí lực của những nhà nông giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng: Huyện đã hướng dẫn cho nhiều nông dân trồng mới, chuyển đổi từ những loại cây ăn trái kém hiệu quả sang các loại cây hiệu quả hơn, phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất tại địa phương. Đặc biệt, huyện có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.
Toàn huyện đã có 15 HTX, trong đó 14 HTX nông nghiệp. Đây là bước chạy đà để sắp tới địa phương tiếp tục hướng dẫn các HTX liên kết với nhau hình thành liên hiệp HTX, từ đó tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến ký kết bao tiêu sản phẩm…
|