Ghi nhận chúng tôi tại xã Khánh Đông (Khánh Vĩnh - Khánh Hòa), một trong những địa phương phát triển bưởi da xanh rất mạnh. Ông Nguyễn Đình Khởi, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, cây bưởi da xanh có mặt trên địa bàn từ cách đây 15 năm. Ban đầu có vài hộ trồng thử nghiệm với diện tích vài hecta. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó, người dân bắt đầu thực hiện chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang cây bưởi.
Vườn bưởi ở xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.
“Đến nay toàn xã có khoảng 90 ha, trong đó 30 ha trong thời kỳ kinh doanh cho năng suất trung bình từ 7-8 tấn/ha trở lên sau 5 năm trồng”, ông Khởi chia sẻ.
Có mặt tại vườn bưởi nhà ông Nguyễn Xuân Long, Tổ trưởng Tổ hợp sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh - một trong những nông dân tiên phong ở xã Khánh Đông thực hiện chuyển đổi cây bưởi da xanh thành công từ đất trồng mía, rau màu kém hiệu quả, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích cho trĩu quả.
Ông Nguyễn Xuân Long dưới gốc bưởi trĩu quả.
Ông Long cho biết, năm 2004, sau khi được huyện hỗ trợ cây giống bưởi da xanh, ông bắt đầu trồng 20 cây thử nghiệm. Đến năm 2010 cây bắt đầu cho thu hoạch, vợ ông bán lai rai, tính ra thu nhập lại khá. Nhận thấy tiềm năng và đầu ra tiêu thụ, ông quyết định mở rộng diện tích trồng đại trà bưởi da xanh lên đến 2ha. Đến năm 2016 -2017, bưởi bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng từ 10-15 tấn/ha. Với giá bán trung bình từ 30-35 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 200 triệu đồng.
Tuy nhiên niềm vui chưa được bao lâu thì đầu tháng 11/2017 do ảnh hưởng bão số 12 nên vườn bưởi nhà ông bị đổ gãy, thiệt hại 50% diện tích. Nhờ nỗ lực khắc phục, cùng với sự hỗ trợ chương trình chuyển đổi của huyện, tỉnh, hiện ông đã gây dựng lại vườn rộng 4,7 ha, trong đó 1 ha đang thời kỳ kinh doanh, còn lại cây 2-3 năm tuổi.
Chúng tôi tham quan vườn bưởi được trồng thẳng tắp, khoảng cách giữa cây cách cây và hàng cách hàng đều là 5x5m, tương đương 1 ha trồng 400 cây. Vườn được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, bố trí cứ 2 cây cho 1 béc phun. Với diện tích bưởi trong thời kỳ kinh doanh hiện đang chuẩn bị thu hoạch, năng suất ước đạt trên 10 tấn quả/ha.
Ông Long cho biết thêm, từ 2 năm nay vườn bưởi gia đình ông đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc chăm sóc cây bưởi chủ yếu dùng phân hữu cơ, hạn chế dùng phân vô cơ cũng như phun xịt thuốc BVTV.
Chất lượng bưởi da xanh Khánh Vĩnh không thua kém bưởi trồng ở các nơi khác.
Qua tìm hiểu được biết, để hạn chế sâu bệnh và côn trùng từ dưới đất bò lên hại cây, ông Long dùng vôi trắng sơn gốc bưởi, đồng thời cột những chai nhựa đựng băng phiến (long não) để xua đuổi. Ban đêm ông dùng túi bóng lớn bao trùm bóng điện, rồi xịt nhớt lên để bẫy côn trùng.
Về phân bón, chỉ sử dụng nếu cần thiết bón cho cây phát triển nhưng tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, đó là đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Tuy nhiên khi cây đã sinh trưởng ổn định, ông chủ yếu sử dụng phân hữu cơ.
“Nhờ việc chăm sóc trên, không chỉ giúp tôi được bảo vệ sức khỏe khi sản xuất, mà còn giúp sản phẩm thu hoạch được nâng cao chất lượng. Thương lái thu mua sản phẩm rất ưng ý và người tiêu dùng cũng ưa chuộng bưởi của gia đình trồng”, ông Long khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đình Khởi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Đông, đến nay địa phương đã có 27 ha bưởi sản xuất VietGAP.
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó phòng NN-PTNT Khánh Vĩnh cho biết, toàn huyện có trên 500 ha bưởi xa xanh, trong đó 170 ha thời kỳ kinh doanh, với tổng sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. Bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh có chất lượng đặc biệt, ngon ngọt, ruột đỏ, da xanh, bóng và vỏ mỏng. Cây trồng từ 5 năm trở lên cho năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha. Thương lái tự đến vườn thu mua với giá trung bình từ 30 - 35 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí người trồng lãi từ 150 - 200 triệu đ/ha. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng bưởi da xanh, trong thời tới huyện tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời hoàn thiện và phát triển Nhãn hiệu tập thể Bưởi da xanh Khánh Vĩnh, cũng như triển khai công tác quảng bá, khai thác thương hiệu; củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp để hỗ trợ nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản...
|