Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá trị đã tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây. Ảnh: D.KHÁNH
Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn với diện tích hơn 35.000ha, trong đó diện tích cây ăn trái chiếm gần 1/3. Sản lượng mỗi năm hơn 180.000 tấn các loại, tuy nhiên phần lớn nông sản trái cây của huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đều bán dưới dạng thô hoặc tiêu thụ nội địa nên giá trị không cao. Chính vì thế, để nâng cao giá trị nông sản này, thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện giá trị ngành hàng trái cây.
Bên cạnh các giống cây trồng truyền thống, khi Đề án Nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch triển khai, huyện Phụng Hiệp cũng đã chú trọng phát triển thêm các giống cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay ngoài cây khóm MD2, Các địa phương trong huyện còn tập trung phát triển cây xoài cát lộc. Đây là giống xoài lai có phẩm chất ngon tương đương với xoài cát Hòa Lộc, nhưng ưu điểm là có thời gian bảo quản lâu phù hợp cho xuất khẩu.
Cách đây một năm, được chính quyền địa phương vận động, ông Phạm Ngọc Thuần, ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn chuyển gần 1ha chanh không hạt sang trồng xoài cát lộc và được Tập đoàn Lộc Trời đầu tư giống, phân bón và bao tiêu đầu ra. Ông Thuần cho biết: “Sau khi cung cấp cây giống, Tập đoàn Lộc Trời cũng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn cách thức chăm sóc nên cây mới trồng hơn 10 tháng nhưng phát triển rất nhanh”.
Nếu trước đây huyện Phụng Hiệp tập trung phát triển một số loại trái cây chủ lực như cam, quýt, bưởi, xoài Đài Loan thì hiện nay tùy vào điều kiện từng khu vực, bà con nông dân trong huyện đã đa dạng các giống cây trồng mới, cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, na Thái, chôm chôm, vú sữa hoàng kim… Ông Nguyễn Văn Cân, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trước đây gia đình trồng cam sành, nhưng giá bán không ổn định nên cách đây 2 năm đã chuyển toàn bộ diện tích đất gần 1ha sang trồng 900 gốc na Thái. Đây là loại nông sản cho trái gần như quanh năm, giá bán ổn định ở mức 25.000-30.000 đồng/kg nên tháng nào cũng có thu nhập, từ đó kinh tế gia đình có bước cải thiện”.
Song song với việc áp dụng các giống cây trồng mới, thời gian qua các địa phương trong tỉnh còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo đầu bờ, chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác cây ăn trái. Điển hình như cây sầu riêng, là nông sản cho giá trị kinh tế cao nên đòi hỏi kỹ thuật canh tác cũng khá phức tạp, chính vì thế mà những năm gần đây các ngành, địa phương đã kết hợp các nhà vườn trồng sầu riêng lại với nhau để tổ chức tham quan, chia sẻ kinh nghiệm canh tác. Song song đó, liên kết với các công ty phân bón để cung ứng sản phẩm chất lượng và tư vấn kỹ thuật miễn phí cho nhà vườn. Nhờ vậy mà năng suất sầu riêng của nhà vườn tăng lên đáng kể.
Ông Trần Ngọc Em, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nhờ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác nên nhà vườn trồng sầu riêng ở đây nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, bà con cũng biết phân biệt được những loại phân, thuốc không cần thiết để vừa hạ giá thành, vừa bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng”.
Bên cạnh phân vùng sản xuất, chọn các loại cây trồng phù hợp thì công tác xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cũng được quan tâm. Đặc biệt là việc xây dựng mã số vùng trồng để giúp cho các loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 45.472ha, tăng 842ha so với cùng kỳ, đạt 99,3% kế hoạch năm. Trong đó cây có múi là 12.341ha, xoài 2.907ha, mít 9.972ha, mãng cầu 692ha, khóm 3.103ha, sầu riêng 2.296ha, cây ăn trái khác 14.161ha. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng ngừa sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng. Nhiều vùng trồng cây ăn trái của tỉnh đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, có 117 vùng trồng được cấp mã số với diện tích 1.860,7ha, với 2.177 hộ, sản lượng 32.466 tấn.
Ông Lê Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Lúc trước sầu riêng chưa xuất khẩu được thì giá trị chưa cao. Nhưng khoảng hai năm trở lại đây, sầu riêng xuất khẩu mạnh, giá bán cũng đã tăng lên gấp đôi. Nếu trước đây đến vụ mỗi ký sầu riêng bán tại vườn chỉ ở mức 30.000 đồng/kg, nhưng vừa qua có thời điểm đã vượt hơn 100.000 đồng/kg”.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thị trường xuất khẩu được thông thoáng là điều kiện để nông sản vươn xa. Tuy nhiên, để đạt yêu cầu về xuất khẩu thì chất lượng nông sản cũng đòi hỏi ngày càng phải cải thiện. Do đó năm nay tỉnh tiếp tục xây dựng và nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các loại cây trồng. Kết hợp với các hoạt động đào tạo, huấn luyện, tư vấn kỹ thuật quản lý chăm sóc cây trồng, phòng trừ bệnh gây hại, nâng cao năng lực sản xuất để tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Những mô hình được triển khai thực hiện trong năm nay rải đều ở các loại cây trồng, vật nuôi thuộc thế mạnh của từng địa phương. Những đầu tư, hỗ trợ trong năm 2023 xoay quanh vào việc nâng cao kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất, các chứng nhận về VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu.
Trong định hướng tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có sản lượng hàng hóa lớn, ổn định, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi, gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ, xây dựng quy trình sản xuất đối với các nông sản chủ lực. Tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh, trong đó xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm trên 10% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 45.000ha, sản lượng 500.000 tấn.