Nhiều mô hình sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu (18/03/2024)

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một trong 5 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Khoảng 74% đất nông nghiệp, 80% người dân vùng nông thôn phụ thuộc vào nông nghiệp. Do đó, thiên tai sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến cuộc sống của người dân Việt Nam.

Để nâng cao đời sống người dân, nhiều mô hình sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai.

Nâng cao thu nhập

Trong khuôn khổ chương trình “Cải thiện sinh kế và sự tham gia của phụ nữ hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu”, Quỹ Chanel thông qua Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã hỗ trợ 4 mô hình sinh kế bền vững thích ứng biến đổi khí hậu.


Mô hình tôm, lúa đã mang lại thu nhập cao cho người dân.

4 mô hình được lựa chọn, gồm: Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số Mông tại Lào Cai trồng thâm canh lạc đỏ địa phương ứng phó với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGAP; hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lào Cai nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực;

Hỗ trợ nữ nông dân trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả chịu ảnh hưởng của mưa lũ theo tiêu chuẩn của VietGAP ở Phú Yên; hỗ trợ phụ nữ vùng ven biển Quảng Nam tăng cường tính bền vững của sinh kế và sự an toàn khi thu hoạch rong biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Qua đánh giá, những mô hình này mang lại hiệu quả cải thiện sinh kế, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Với mô hình lạc đỏ tại Lào Cai, cây lạc đỏ chống xói mòn, chịu hạn tốt, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp hạn chế thoát hơi nước và sâu bệnh.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào mô hình này là 90%, trong đó 100% là phụ nữ dân tộc thiểu số. Mô hình cho thu nhập tăng 15-20% so với sản xuất đại trà. Lạc đỏ là đặc sản vùng, có thị trường đầu ra tiềm năng.

Hay mô hình trồng sen trên đất lúa tại Phú Yên, sen sống tốt trong môi trường ngập lũ, sản phẩm từ sen đa dạng; trồng sen có thể kết hợp nuôi cá, kinh doanh du lịch, chụp ảnh.

Bà Nguyễn Thị Mùi, bản Liên Hà 6, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai cho biết, năm 2019, bà được hỗ trợ 50 triệu đồng từ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn ban đầu, gia đình đã đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học với quy mô từ 4.000-5.000 con.

Nhờ tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật mới, mô hình chăn nuôi gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học của gia đình bà Mùi có tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%, chất lượng thịt thơm ngon, an toàn, được tiêu thụ tốt trên thị trường. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trung bình mỗi tháng gần 10 triệu đồng.

Cải thiện đời sống

Để ứng phó với thách thức kép về khí hậu cực đoan và suy thoái môi trường cũng như góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai mô hình tôm - lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm - 1 vụ lúa) đã được phát triển.

Đây là hệ thống canh tác lúa - tôm trong cùng một diện tích với việc luân canh. Khi áp dụng mô hình này, hiệu quả kinh tế tăng lên. Mô hình này cũng được điều chỉnh theo sự dao động giữa nước mặn và nước ngọt ở khu vực này, do mực nước biển dâng.

Ông Ngô Văn Nhàn là một trong những nông dân đi tiên phong áp dụng mô hình sản xuất lúa - tôm thích ứng biến đổi khí hậu tại vùng đất khó xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang. Gia đình ông hiện có 3ha đất canh tác theo mô hình lúa - tôm.

Khi vào mùa mưa, ông trồng lúa; sang mùa khô hạn và xâm nhập mặn, ông chuyển sang nuôi tôm quảng canh. “Nuôi tôm quảng canh trong mô hình phù hợp với trình độ canh tác của bà con, dễ thực hiện, ít rủi ro so với nuôi tôm thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mặt khác, khi chuyển sang mùa mưa, nước ngọt dồi dào thì làm đất để trồng lúa cũng tiện lợi, mang lại hiệu quả kép, thay vì phải bỏ đất trống như trước”, ông Nhàn cho biết.

Còn ông Phạm Văn Minh (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân) nhiều năm nay dựng nghiệp từ mô hình lúa - tôm chia sẻ, trước đây, đất đai bỏ hoang hóa bởi gần như không thể trồng trọt. Người dân địa phương đa phần phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống, kinh tế eo hẹp, cuộc sống khó khăn.

Gần đây, được các ngành hữu quan chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình lúa - tôm, được trợ vốn ưu đãi khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất làm giàu, ông mạnh dạn thay đổi mùa vụ và áp dụng mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm/năm trên diện tích 3,5ha tại ấp Phú Hữu.

Nhờ vậy, ông đã vượt khó thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Tân Phú Đông.

Ngoài con tôm, Tân Phú Đông còn xây dựng vùng trồng sả chuyên canh có diện tích trên 3.700ha trên đất lúa nhiễm mặn canh tác 1 vụ/năm trước đây. Đây là vùng chuyên canh sả lớn nhất khu vực sông Tiền, sản lượng mỗi năm gần 60.000 tấn.

Cây sả có thể thích ứng với vùng đất xâm nhập mặn, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiếu nước canh tác như huyện đảo Tân Phú Đông. Vào mùa khô, nếu thiếu nước, sả có thể sống sót với nước có độ mặn thấp. Đây là lợi thế lớn khiến sả được chọn làm cây trồng kinh tế chủ đạo ở vùng mặn.

Tương tự, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Đắk Lắk, Quỹ Khí hậu Xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, Việt Nam" hỗ trợ thi công ao chống chịu biến đổi khí hậu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột dân tộc thiểu số.

Ngành nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm bảo vệ sinh kế của các nông hộ trong khu vực.

Theo : Phương Anh/ dansinh.dantri.com.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 120
Tổng truy cập: 39349354