Sớm xây dựng nhãn hiệu “Chè Nghệ An” (10/06/2015)

Sớm xây dựng nhãn hiệu “Chè Nghệ An”

Cây chè được xác định là một trong mười cây công nghiệp chủ lực của Nghệ An, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là một trong những mặt hàng chủ lực tham gia XK

Chè là cây công nghiệp dài ngày có vai trò quan trọng ở tỉnh Nghệ An. Việc phát triển cây chè một mặt tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động ở các vùng nông thôn, miền núi, đem lại thu nhập, mặt khác còn tạo ra sản phẩm hàng hoá XK...

Thiên nhiên ưu ái cho Nghệ An chất đất và khí hậu phù hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển. Nếu như trước đây, người dân xứ Nghệ chỉ trồng chè cho kín vườn, xanh đồi, thu nhập từ chè chỉ được coi là "thu nhập phụ", thì nay cây chè đã có một vị thế khác hẳn.

Hiện nay, cây chè được xác định là một trong mười cây công nghiệp chủ lực của Nghệ An, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường, là một trong những mặt hàng chủ lực tham gia XK, đem lại ngoại tệ mạnh cho tỉnh và là cây xoá đói giảm nghèo, làm giàu của nông dân.

Ngoài ý nghĩa kinh tế, cây chè còn có vai trò phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái. Chỉ tính riêng năm 2011, Nghệ An đã XK trên 10.000 tấn chè búp khô, đạt kim ngạch 13 triệu USD, chiếm 5,9% trong tổng kim ngạch XK hàng hoá của tỉnh với thị trường chính là các nước Trung Đông, EU, ASEAN, Mỹ, Nga, Đài Loan...

Tính đến tháng 12/2012, tổng diện tích trồng chè toàn tỉnh ước đạt 7.500 ha (diện tích chè kinh doanh là 5.300 ha, chiếm 70%; diện tích chè kiến thiết cơ bản là 2.200 ha, chiếm 30%). Năng suất chè búp tươi đạt bình quân 105 tạ/ha, sản lượng đạt 55.650 tấn chè búp tươi.

Cây chè được trồng chủ yếu tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn và Con Cuông, trong đó tại huyện Anh Sơn và Thanh Chương có diện tích trồng chè lớn nhất.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có tới 68 DN, HTX, cơ sở SX, chế biến chè, trong đó có đến 60 cơ sở làm chè thủ công có công suất từ 0,5– 10 tấn/ngày và tập trung nhiều nhất ở huyện Thanh Chương với 54 lò, các huyện còn lại Anh Sơn 4 lò, Con Cuông 2 lò. Tổng công suất chế biến là 380 tấn búp tươi/ngày.

Diện tích trồng chè lớn, số cơ sở SX, chế biến chè nhiều; thế nhưng đến nay cũng chỉ mới có 10ha chè được cấp giấy chứng nhận SX chè theo hướng VietGAP và 2 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn HACCP trong chế biến chè. Như vậy là quá ít và manh mún.

Do thói quen và tập quán canh tác, người dân vùng chè vẫn chỉ SX chè chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đúc rút từ bao đời nay và cho đến nay sản phẩm chè Nghệ An vẫn chưa có một "bảo chứng" nào để người tiêu dùng trong và ngoài nước tin cậy.

Theo định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Nghệ An thì cây chè vẫn được xác định là cây mũi nhọn để phát triển kinh tế. 

Để từng bước nâng cao chất lượng chè Nghệ An, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nghệ An tiếp tục triển khai kiểm tra, giám sát các cơ sở SX, chế biến chè theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn các DN đi vào nề nếp, thực hiện đúng các quy định; quản lý chất lượng, ATVSTP ngành chè theo chuỗi từ đồng ruộng đến chế biến, tiêu thụ.

Trong những năm qua, Chi cục thường xuyên phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thực hiện việc kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo ATVSTP trong quá trình SX, chế biến chè trên địa bàn tỉnh.

Nếu như trong nhưng năm đầu việc kiểm tra, giám sát của Chi cục còn gặp nhiều khó khăn do tư tưởng, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế thì từ năm 2013 đến nay, sau rất nhiều nỗ lực tuyên truyền, người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như ý thức giữ gìn VSATTP trong SX, chế biến chè.

Các cơ sở SX, chế biến chè đã đầu tư, cải tiến thiết bị không chỉ chú trọng vào nâng cao sản lượng mà sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Đến nay đã có 51/68 cơ sở được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP trong SX, chế biến chè theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT.

Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra với các cơ quan chức năng, với cộng đồng người trồng chè Nghệ An nói chung và các cơ sở SXKD chè nói riêng là phải xây dựng một cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Chè Nghệ An" và thành lập một tổ chức tập thể để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, cũng như khai thác giá trị kinh tế của sản phẩm chè một cách phù hợp và hiệu quả cao.

Theo Lê Hữu Tiệp (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 205
Tổng truy cập: 39349354