Xuất khẩu rau quả bứt phá, nhắm đích 2 tỉ USD (29/07/2015)

Cùng với việc mở cửa thêm nhiều thị trường từ nay đến cuối năm, XK rau quả năm 2015 đang mở ra cánh cửa có thể tạo đột phá, cán đích 2 tỉ USD.

Theo Cục BVTV, sau khi mở cửa thành công cho quả vải và nhãn XK sang Mỹ và Úc, từ nay đến cuối năm 2015, nhiều loại hoa quả chủ lực của Việt Nam (VN) như xoài, thanh long, chôm chôm… sẽ tiếp tục có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường lớn. Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng, khả năng để kim ngạch XK mặt hàng rau quả của VN cán đích 2 tỉ USD trong năm nay là rất sáng sủa.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), Cục trưởng Cục BVTV về những triển vọng lạc quan này.

Đầu ra rất sáng

Vụ nhãn ở các tỉnh phía Bắc đang bắt đầu, ông đánh giá liệu tình hình tiêu thụ có tốt lên so với các năm trước nhờ vào XK không?

Đối với nhóm các nước yêu cầu phải cấp phép NK cho từng loại hoa quả, Mỹ đã đồng ý cho phép NK nhãn của VN từ cuối năm 2014. Theo đó hiện nay, tình hình XK nhãn tại các tỉnh phía Nam sang Mỹ cũng như các nước khác rất khả quan. Tại phía Bắc trước vụ thu hoạch nhãn năm nay, Cục BVTV đã cấp 3 mã số vùng trồng, một cho Hà Nội và 2 mã số cho Hưng Yên để XK sang Mỹ. Hà Nội hiện cũng đã có chính sách ưu đãi cho nhãn XK như hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí chiếu xạ…

Tuy nhiên tại phía Bắc, việc đưa nhãn XK sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Thứ nhất do phía Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ nên muốn XK vẫn phải vận chuyển vào Nam để chiếu xạ. Khó khăn nhất là số lượng DN vào cuộc còn quá ít. Mặc dù hiện đã có một số DN đăng ký bao tiêu nhãn ở các vùng trồng được cấp mã số, tuy nhiên trong vụ nhãn này, tôi nghĩ chưa thể kỳ vọng có thể XK được số lượng lớn.

Ngoài nhãn, từ nay đến cuối năm sẽ còn loại hoa quả nào được mở cửa thị trường mới thưa ông?

Từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng sẽ có thêm khá nhiều thị trường lớn và khó tính cho phép NK hoa quả của VN. Cụ thể đối với Mỹ, Cục BVTV đang tiếp tục thúc đẩy Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) đối với xoài và vú sữa để sớm cho phép 2 loại hoa quả này XK vào Hoa Kỳ.

Đối với Nhật, Cục đã hoàn tất các cuộc họp song phương và được phía Nhật đồng ý về nguyên tắc về việc cho phép NK xoài từ VN. Dự kiến đến tháng 9/2015, nhiều khả năng xoài VN sẽ chính thức được XK sang Nhật. Hiện tại, các DN Nhật đã sang VN để kiểm tra, lựa chọn đăng ký vùng nguyên liệu tại các tỉnh phía Nam, sẵn sàng thu mua từ tháng 9/2015.

Tuy nhiên trước đó, dự kiến tháng 8/2015, chúng ta cũng phải đồng ý cho phép Nhật XK táo sang VN. Ngoài Nhật, Úc cũng đang hoàn tất các thủ tục và dự kiến cho phép NK xoài của VN, hạn chót vào tháng 12/2015. Với Đài Loan, hai bên sẽ xúc tiến đàm phán tiếp về các biện pháp xử lí hơi nước nóng để mở cửa trở lại cho thanh long của VN trong năm 2015 (đã bị ngừng XK vào Đài Loan do nhiễm sâu đục quả).

Bên cạnh đó, các thị trường quan trọng khác cũng đang xúc tiến cho phép mở cửa đối với nhiều loại hoa quả khác của VN như: Newzeland đang xem xét cho phép NK chôm chôm và vú sữa; Hàn Quốc đang thúc đẩy cho phép NK vú sữa, vải và chôm chôm.

Có thể cán mốc 2 tỷ USD

XK hoa quả 6 tháng đầu năm khá ấn tượng với mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá thế nào về triển vọng XK năm nay?

Theo Hiệp hội Rau quả VN, XK hoa quả 6 tháng đầu năm đạt trên 700 triệu USD. Nhiều chuyên gia cũng nhận định XK rau quả năm nay có thể tạo đột phá, cán mốc 2 tỉ USD. Theo tôi, từ nay đến cuối năm sẽ là mùa XK hoa quả chính trong năm, cùng với việc nhiều thị trường mới được mở cửa, nếu tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm đạt trên 25% thì khả năng kim ngạch XK nhóm hàng này đạt 2 tỉ USD là hoàn toàn có thể.


Chế biến vải XK

Trong đó, nhiều loại hoa quả quan trọng sẽ tiếp tục tạo đột phá, nhất là xoài và thanh long. Bởi xoài và thanh long từ nay đến cuối năm sẽ được mở thêm rất nhiều thị trường, tình hình XK rất tốt, và đây cũng là hai mặt hàng hoa quả chủ lực có chất lượng, cạnh tranh cao. Chẳng hạn như nếu được mở cửa vào Nhật vào tháng 9/2015 này, tôi nghĩ xoài VN sẽ có triển vọng vô cùng lớn bởi đây là hoa quả được Nhật rất yêu thích, chất lượng xoài VN cũng vào loại nhất thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó, các mặt hàng rau gia vị sau khi EU cho phép NK trở lại hiện nay cũng đang XK rất tốt. Thị trường này rất tiềm năng đối với nhiều mặt hàng rau hoang dại, chẳng hạn rau dền, rau sam… rất được ưa chuộng, nên được tiếp tục để ý tạo nguồn hàng trong nước.

Đi bằng hai chân, đa dạng thị trường

Nhiều quan điểm cho rằng lượng hoa quả XK sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Úc… khá ít, khó tạo ảnh hưởng cho việc tiêu thụ trong nước, vì vậy các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU hay ASEAN nên được coi trọng hơn. Quan điểm ông thế nào?

Thị trường XK hoa quả của VN hiện đã rất rộng, được chia thành hai nhóm: Một là nhóm các nước dễ tính, chỉ yêu cầu có KDTV và đảm bảo vệ sinh ATTP là có thể XK bao gồm: 28 nước EU, Trung Quốc, Nga, các nước Đông Âu, Trung Đông, Canada, Ấn Độ và 10 nước ASEAN.

Nhóm còn lại bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Newzeland, Đài Loan và một số nước Nam Mỹ. Đây là nhóm nước bắt buộc chúng ta phải đàm phán để cho phép XK đối với từng loại hoa quả riêng. Mặc dù sản lượng XK sang nhóm thị trường này chưa áp đảo, tuy nhiên quan điểm của tôi là cần phải tiếp tục chú trọng bởi nhiều điểm có lợi:

Một là mặc dù đây là nhóm thị trường khó tính nhưng giá trị XK cao, dù sản lượng XK không lớn nhưng từ đó tạo được tín hiệu ảnh hưởng tới giá trong nước rất tốt. Chẳng hạn nhãn miền Nam bình thường bán 25-30 nghìn đồng/kg, nhưng vùng nhãn VietGAP đạt chất lượng DN sẵn sàng mua với giá 50-60 nghìn đồng/kg, trong khi quy trình SX không khác nhiều, chỉ cần cải thiện thêm về kỹ thuật theo VietGAP.

Rõ ràng trước hết nông dân trực tiếp SX bán được giá cao, lợi nhuận cao, đồng thời kích thích mặt bằng giá tại các vùng lân cận. XK sang nhóm nước này cũng sẽ tạo áp lực buộc nông dân phải nâng cao trình độ SX theo VietGAP hay GlobalGAP qua đó nhân rộng thêm tại các vùng vệ tinh xung quanh.

Thứ hai, khi đã vào được thị trường khó tính, sẽ tạo được uy tín và lòng tin đối với hàng hoa quả của VN rất lớn, đồng thời việc đàm phán với các nước sau đó cũng rất thuận lợi. Chẳng hạn: Mỹ đồng ý cho NK nhãn của VN thì chúng ta đàm phán với Úc cũng rất dễ, hay Newzeland chấp nhận cho thanh long của VN thì Úc cũng chấp nhận… Các nước đàm phán sau đó họ đều nhìn vào kết quả trước, chẳng có lí do gì Mỹ, Nhật, Úc… là những nước khó tính, nghiêm ngặt nhất về tiêu chuẩn đồng ý mà các nước khác lại không đồng ý.

Cuối cùng, các thị trường khó tính đều là các bạn hàng, đối tác thương mại chiến lược của VN hiện nay. Không những thế, càng đa dạng thị trường, chúng ta càng bớt phải phụ thuộc vào một thị trường truyền thống.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Lê Bền (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 197
Tổng truy cập: 39349354