Chè sạch lên ngôi: Ấn tượng chè La Bằng (25/08/2015)

Trước đây, chè VietGAP chỉ tồn tại dưới dạng mô hình. Là quy trình thực hành sản xuất tốt nhưng xem ra việc nhận diện, mở rộng không dễ dàng.


Thu hái chè tại vùng chè đặc sản La Bằng (Đại Từ - Thái Nguyên). Ảnh: Hoàng Nguyên

Bây giờ, tín hiệu từ thị trường, từ những nông hộ tham gia sản xuất chè theo mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đều đánh giá cao hiệu quả của những nương chè, sản phẩm chè VietGAP.

Chè La Bằng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nằm cùng nhóm với những sản phẩm trà nổi tiếng của Thái Nguyên như Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), Hùng Sơn (Đại Từ) hay Trại Cài (Đồng Hỷ)…

Màu xanh bát ngát của những đồi chè tròn trịa, căng tràn sức sống được nguồn nước của dòng sông Công thơ mộng và nguồn nước thiêng Tam Đảo chảy về nuôi dưỡng đã tạo nên nét quyến rũ độc đáo của chè La Bằng.

Chuyển đổi

Dù luôn được đánh giá cao với giá bán bao giờ cũng cao hơn các sản phẩm chè tại địa phương nhưng Ban quản trị HTX chè La Bằng vẫn tiếp tục đề nghị để được tham gia xây dựng, thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX cho biết, đi nhiều, nghe nhiều nhưng chúng tôi chưa thấy nhiều việc áp dụng một quy trình sản xuất mang tính định lượng, khoa học. Trăn trở đó đã được Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên tạo điều kiện bằng việc hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sản xuất chè VietGAP trên quy mô 10 ha với 26 hộ hội viên tham gia.

Tháng 8/2013, cơ quan tổ chức cấp chứng nhận họp dân, thông qua nội dung thực hiện mô hình. 26 hộ được chọn để tham gia là những người có nguyện vọng và quyết tâm tự giác thực hiện. Một điều kiện khác là các hộ phải có nương chè liền kề nhau để tiện bề giám sát cộng đồng. Cơ quan chứng nhận chia các hộ dân thành 4 tổ, bầu tổ trưởng để ghi chép sổ sách và giám sát chéo.

Sau 2 năm thực hiện, tháng 7/2015, HTX chè La Bằng chính thức được Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông Thái Nguyên cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP.

Lợi ích lớn

Bà Đào Thị Thoa, Phó chủ nhiệm HTX chè La Bằng bộc bạch, nghĩ lại cách chăm sóc cây chè trước đây mà sợ. Ai đời lại phun thuốc trừ sâu theo định kỳ. Cách phun thì vô tội vạ, phun cộng 2 - 3 loại thuốc cùng một lúc, phun thuốc này chưa đạt thì phun thuốc khác. Cứ phun bao giờ không thấy sâu nữa mới thôi, bất luận thời điểm cách ly, kể cả chè sắp thu hái…

Thế rồi cách bón phân cũng kỳ lạ và thật thiếu hiểu biết, trong xóm, ngoài làng, mọi người cứ thấy trời mưa là mang phân ra vã vào gốc chè. Chăm sóc đã vậy, cách chế biến cũng đơn giản và lạc hậu. Chè mang về đưa vào vò rồi mang ra sao suốt, thế là xong.

Là gia đình có diện tích chè lớn với 2 ha, ông Nguyễn Xuân Nang (xã viên HTX chè La Bằng) cho biết, giáo viên VietGAP đã về xóm, cùng ăn, cùng ở với dân để hướng dẫn chúng tôi chuyển đổi quy cách sản xuất. Theo đó, các xã viên bây giờ chỉ phun thuốc trừ sâu khi thật cần thiết.

Việc phun phải thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng". Thuốc chọn phun phải là loại thuốc đã được cho phép sử dụng trên cây chè. Quá trình chế biến được chia nhỏ thành 4 công đoạn để chè tạo hương, đậm vị.

Cụ thể, chè nguyên liệu hái về phải được làm héo trước khi đưa vào sao diệt men. Sau đó mới thực hiện vò tạo cánh. Quá trình sao cũng chia thành sao 2 và sao 3. Giữa 2 công đoạn sao, chè được đưa ra rải đều trên nong nia để lấy thêm hương.


Quy trình sản xuất chè an toàn VietGAP mang đến nhiều lợi ích cho người làm chè La Bằng

Khi chúng tôi bày tỏ quan ngại về một thực tế đã từng diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương là người dân phun thuốc BVTV vô tội vạ để bảo vệ cây chè, nếu không phun thì lấy gì mà hái? Trăn trở đó lập tức đã được những người làm chè VietGAP ở La Bằng khai sáng như sau, cây chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP vốn dĩ đã khỏe hơn cách chăm sóc trước đây.

Chè trước đây sống bằng phân bón hóa học và hết bệnh bằng thuốc BVTV các loại. Chè VietGAP sử dụng nhiều phân xanh, phân chuồng nên cây rất khỏe, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh gây hại. Chính vì đó mà việc phun thuốc BVTV được giảm thiểu.

Thêm nữa, nếu bắt buộc phải phun thì tác dụng sẽ rất nhanh và hiệu quả. Để chứng minh thực tế đó, ông Lâm Văn Xô (xã viên HTX chè La Bằng) cho biết, năm nay, thời tiết rất không thuận lợi cho sản xuất, chăm sóc cây chè. Nếu như những năm trước thì chắc chắn năng suất và chất lượng chè sẽ tụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, cây chè VietGAP chẳng những không bị sâu bệnh hại mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cao.

Chè VietGAP La Bằng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và được săn lùng mua. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Hải cho biết, giá bán chè VietGAP cao hơn giá chè thông thường từ 15 - 20%.

Cụ thể, trong cùng một nương chè của gia đình, chè thường bán giá 300 ngàn đồng/kg thì chè VietGAP bán với giá 350 - 360 ngàn đồng/kg. Nói về cơ sở để định giá chè, bà Hải cho hay, thương lái chính là những người “ngậm trà” (uống thử, nếm) chính xác đến từng nghìn đồng một. Chè bị ban, bị thiu, ôi một chút họ cũng đọc rõ, chè có dư lượng thuốc BVTV cũng bị bóc tẩy. Nói chung là tất cả những hay dở trong từng ấm chè họ uống qua là biết hết.

Thực tế đó chính là điều đọng lại mà người làm chè phấn khích và nỗ lực gìn giữ danh tiếng chè an toàn. Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên cho biết, các xã viên HTX chè La Bằng tham gia thực hiện mô hình chè VietGAP với sự nhiệt tình, hăng hái và đặc biệt nêu cao tinh thần tự giác thực hiện.

Theo Đồng Văn Thưởng (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 196
Tổng truy cập: 39349354