Hiến kế cho ngành chè (11/09/2015)

TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KH Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) nói rằng, sản xuất chè sạch giống như một bài toán rất khó trong bối cảnh hiện nay. Tất nhiên là có lời giải, nhưng cần sự hợp lực, vào cuộc đồng bộ.


TS. Nguyễn Văn Toàn

Hai vấn đề lớn làm “bẩn” chè Việt Nam

Thưa ông, có thể nói rằng những mô hình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh chè sạch là những tín hiệu sáng sủa cho ngành chè Việt Nam, tuy nhiên, việc sản xuất chè sạch vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn?

Việt Nam hiện nay có khoảng 135 ngàn ha chè, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn, xuất khẩu khoảng 80 ngàn tấn. Nhìn chung, chè của chúng ta giá bán thấp, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định. Nguyên nhân dẫn tới hiệu quả sản xuất chè còn thấp có nhiều, song chủ yếu là do sản phẩm chè của chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, sản phẩm nhiều vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về VSATTP.

Theo tôi, vấn đề lớn nhất của ngành chè nước ta là thực trạng diện tích manh mún. Hiện nay trên 90% diện tích chè do nông dân sở hữu với diện tích nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ dân sản xuất chè chỉ tầm vài sào. Thực trạng này liên quan đến vấn đề quan trọng nhất, vấn đề sinh tử của ngành chè, đó là ATVSTP. Muốn sản xuất chè an toàn chúng ta phải truy nguyên được nguồn gốc và phải được tổ chức chứng nhận GAP. Điều này khó thực hiện được cho hàng triệu hộ nông dân.

Danh mục thuốc BVTV, cụ thể những sản phẩm dùng trên chè hiện nay quá nhiều khiến người nông dân giống như rơi vào "ma trận", không biết đường nào mà lựa chọn. Bản thân tôi từng thực hiện một đề tài nghiên cứu về vấn đề người dân sử dụng thuốc BVTV trên cây chè. Sau quá trình điều tra, thống kê đã cho kết quả: Có đến 70% nông dân khi đồi chè gặp sâu bệnh đã đến các đại lý kinh doanh thuốc BVTV nhưng không biết mua loại thuốc gì. Thực trạng này vô cùng nguy hiểm, bởi vì, rất nhiều các đại lý kinh doanh thuốc BVTV chỉ biết chạy theo lợi nhuận. Họ bán cho người dân thuốc ngoài danh mục, thuốc trôi nổi, thậm chí là thuốc nhập lậu, thuốc sử dụng trên cây trồng khác...

Chúng ta đã có những lô hàng bị trả về vì không đảm bảo chất lượng, đã có những lúc thị trường giảm liên tục vì không khẳng định được thương hiệu, uy tín... Đấy là hậu quả nặng nề của việc sản xuất kinh doanh không đảm bảo ATVSTP. Cái này một phần do công tác tuyên truyền chưa được chú trọng.

Nhưng lỗi đâu chỉ riêng mỗi người dân, thưa ông?

Chúng ta cứ hô hào phải thế này, phải thế nọ, từ nhà quản lý, nhà sản xuất, tuy nhiên, những cách làm, những biện pháp cụ thể để hướng dẫn người dân, giúp họ thay đổi cách thức sản xuất lại chưa nhiều.

Tại sao người nông dân biết rằng họ sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ, không đảm bảo ATVSTP nhưng họ vẫn cứ làm? Đó là vì còn rất nhiều những DN thu mua chè “bẩn” của họ. 

Thực tế, trong ngành chè vẫn còn nhiều DN làm ăn kiểu này. Đó là những DN không có vùng nguyên liệu rõ ràng hoặc không có sự đầu tư cho vùng nguyên liệu. Họ kinh doanh theo kiểu nhờ trời, dựng nhà máy, xưởng chế biến rồi thu mua chè trôi nổi trên thị trường, không cần biết nguồn gốc ở đâu, được sản xuất như thế nào... Những DN này chính là thủ phạm chính giết chết thương hiệu chè Việt Nam.

Vì vậy cần có chính sách kịp thời hướng dẫn các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu một cách minh bạch, rõ ràng. Theo qui định, DN muốn đặt nhà máy thì phải có vùng nguyên liệu đảm bảo nhưng thực tế các địa phương hoặc cấp phép bừa bãi, hoặc làm ngơ cho DN đặt nhà máy nhưng không đảm bảo vùng nguyên liệu.


Ảnh minh họa

Ở các nước sản xuất, chế biến chè sạch không bao giờ có thực trạng này. Ví dụ, tôi sang Nhật Bản, rất nhiều mô hình liên kết giữa DN với người dân được thực hiện vô cùng bài bản. Có DN ký hợp đồng cam kết với 42 hộ dân trong vòng 10 năm. Họ có đầy đủ chế tài xử phạt, quy định không được chuyển đổi, cam kết về giá…

Và hơn hết là cam kết số một về ATVSTP. Bên nào vi phạm sẽ có những chế tài xử lý rất nghiêm khắc. Những DN không có vùng nguyên liệu lập tức bị xem xét xử lý ngay. Không bao giờ có chuyện cấp phép sản xuất kinh doanh cho những DN làm ăn theo kiểu trôi nổi cả.

Hai giải pháp cấp bách

Thực trạng chúng ta đã biết rõ, đã nói nhiều và ngành chè Việt Nam cũng đang trong quá trình tái cơ cấu để thay đổi. Là Viện trưởng Viện KH Nông lâm miền núi phía Bắc, ông hiến kế gì để chè Việt Nam có thể sạch hơn?

Trước hết, để có nguyên liệu chè an toàn, chất lượng chúng ta cần áp dụng đồng bộ hai giải pháp cấp bách là áp dụng KHCN và làm tốt công tác tổ chức, quản lý sản xuất.

Về KHCN cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè. Việc tăng nhanh diện tích các giống chè chất lượng cao là giải pháp hiệu quả nhất để nâng cao chất lượng bằng các giống nhập nội và giống mới chọn tạo 40-50%. Tất nhiên, về giống thì không ảnh hưởng đến chất lượng chè sạch hay bẩn, nhưng việc các giống chè chất lượng cao sẽ nâng cao giá trị kinh tế, phần nào thay đổi nhận thức người dân về quá trình sản xuất chè nguyên liệu.

Ngoài ra cần chuyển đổi sử dụng phân bón bằng cách sử dụng chất hữu cơ, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh. Mỗi hộ dân, mỗi trang trại, mỗi DN sản xuất kinh doanh chè cần phải coi đây là qui trình bắt buộc. Cùng với việc tăng bón hữu cơ, là việc giảm dần bón phân hóa học (thay thế từ 30-50% lượng phân hóa học, qui đổi theo tỷ lệ nguyên chất) bằng các loại phân hữu cơ sinh học.

Hóa chất BVTV là mối nguy lớn nhất đối với ATVSTP trên chè, vì vậy cần phải áp dụng quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điều tra định kỳ (huấn luyện nông dân trở thành chuyên gia sâu bệnh), phát hiện sớm để xác định được đối tượng sâu hại, phòng trừ kịp thời, giảm số lần phun thuốc trong năm. Không phun phòng hóa chất BVTV, tăng cường sử dụng thuốc nguồn gốc thảo mộc, thuốc hóa học ít độc có thời gian cách ly ngắn…

Về tổ chức sản xuất. Để áp dụng được qui trình GAP chúng ta phải tăng cường sự liên kết hộ, theo kiểu hình thành câu lạc bộ chè hay HTX chè để giải bài toán diện tích manh mún. Chúng ta từng đề cập đến vấn đề tích tụ đất đai để sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, đối với đất trồng chè vấn đề này khá khó. Vì vậy, giải pháp trước mắt cần phải có liên kết hộ, khắc phục tình trạng manh mún diện tích chè, thuận lợi cho áp dụng qui trình sản xuất và chứng nhận GAP.

Để thực hiện được hai giải pháp này, cần phải tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền và vận động sản xuất chè an toàn, chất lượng. Và để sản xuất được chè an toàn nhất thiết chúng ta phải sản xuất theo Qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Thực hiện Qui trình GAP cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của “3 nhà”. Nhà tư vấn, nhà sản xuất và tổ chức chứng nhận.

Trong đó, nhà sản xuất có trách nhiệm thực hiện đúng thủ tục đăng ký kiểm tra chứng nhận GAP và chấp hành việc kiểm tra theo quy chế này. Nhà tư vấn thực thi việc lập sổ sách và đưa ra các quy trình công nghệ cho việc tạo ra sản phẩm. Nhà tư vấn có quyền truy cập thông tin từ nhà chứng nhận để lập quy trình áp dụng phù hợp với tiêu chuẩn.

Chi phí thực hiện của nhà tư vấn do nhà sản xuất chi trả. Nhà chứng nhận thực hiện kiểm tra, đánh giá, giám sát quá trình SX tạo ra sản phẩm của nhà sản xuất thông qua công cụ là các quy định có tính pháp lý về hệ thống quản lý chất lượng. Trên cơ sở trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận GAP, xây dựng chi tiết trình tự, thủ tục kiểm tra, chứng nhận VietGAP cho từng lô sản phẩm nhà chứng nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chứng nhận GAP.

Ngoài ra, để thực hiện VietGAP thành công, cần phải xây dựng được hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ, phải đào tạo thanh tra, giám sát nội bộ trong các HTX, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hoàng Anh (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 192
Tổng truy cập: 39349354