Cam Canh tại Lục Ngạn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần trồng lúa
Cam, bưởi trên đất vải thiều
Những năm qua, vải thiều tại Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng được coi là cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của nông dân địa phương này. Từ vụ vải thiều năm 2015 với tổng doanh thu 4.600 tỷ đồng, Bắc Giang định hướng chú trọng cây vải, cộng với một số loại cây ăn quả đặc sản khác.
Đối với cây vải thiều là sản phẩm chủ lực, tỉnh Bắc Giang chú trọng việc chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng KHKT vào SX và chế biến, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn nhằm giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Đến hết năm 2014, diện tích vải theo tiêu chuẩn VietGAP là 6.500 ha, sản lượng ước đạt 35.000 tấn, giá bán bình quân từ 15.000-25.000 đồng/kg. Một số xã có diện tích vải VietGAP lớn như Hồng Giang, Giáp Sơn, Phì Điền, Quý Sơn, Thanh Hải, Tân Quang của huyện Lục Ngạn... Đến nay đã cấp được 70 giấy chứng nhận vải thiều VietGAP cho 70 hộ nông dân, với tổng diện tích là 96,3 ha.
Ngoài vải thiều, Lục Ngạn đã và đang tích cực triển khai đề án phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện (giai đoạn 2014 - 2020). Hiện nay diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đạt hơn 1,2 nghìn ha, trong đó cam Canh, cam Vinh 580 ha, sản lượng ước đạt 2.600 tấn, giá trị đạt 104 tỷ đồng; bưởi Diễn, bưởi da xanh 359 ha, sản lượng ước đạt trên 4.400 tấn, giá trị đạt 30 tỷ đồng, còn lại là cây có múi khác.
Theo các nhà khoa học, điều kiện đất và tiểu vùng khí hậu của Lục Ngạn rất thích hợp với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, táo Đài Loan... Qua so sánh cam đường Canh cho thu nhập gấp 17 lần, cam Vinh gấp 9,6 lần so với cây lúa... Thực tế cho thấy, một số hộ gia đình ở Tân Mộc trồng cam đường Canh cho năng suất 27 tấn/ha, giá bán từ 45 đến 60 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập trên một ha đạt 1,3 tỷ đồng.
“Mục tiêu của đề án là chuyển đổi 112 ha lúa một vụ không ăn chắc, 3.019 ha đất trồng cây ăn quả khác để đến năm 2020 tăng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tổng diện tích cây ăn quả 22.112,8 ha, diện tích vải thiều 16 nghìn ha, trong đó vải thiều VietGAP 10.000 ha, các loại cây ăn quả khác 6.112,8 ha”, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết.
Cũng theo ông Tấn, quy hoạch của đề án là Lục Ngạn chia thành các vùng cây ăn quả gồm: Vùng trồng và thâm canh cam đường Canh có 12 xã, diện tích 900-950 ha. Vùng cam Vinh có 13 xã, với diện tích 600-650 ha. Vùng bưởi Diễn có 13 xã, diện tích 620-650 ha. Vùng bưởi da xanh ở 12 xã, diện tích 310-320 ha. Trong quá trình thực hiện sẽ liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học, DN) trong việc hỗ trợ và phát triển các vùng cây ăn quả tập trung.
Chú trọng chế biến và liên kết
GĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Khái, cho biết, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đang được thực hiện rốt ráo và có hiệu quả. Nhiều vùng sản SX nông sản hàng hóa tập trung đã hình thành như vải thiều, cam đường Canh, bưởi Diễn Lục Ngạn; lúa thơm Yên Dũng; lạc giống Tân Yên, rau an toàn, rau chế biến, nấm thực phẩm ở Lạng Giang, Tân Yên; gà đồi, chè Yên Thế… Nhiều mô hình SX cho thu nhập cao từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, ông Khái cũng nhìn nhận, hoạt động tiêu thụ nông sản trên địa bàn vẫn còn gặp phải khó khăn do việc quy hoạch trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, rau quả hàng hóa chưa phù hợp và sát với tình hình biến động dẫn đến việc SX của nông dân theo phong trào, tự phát, không cân đối được cung cầu; tỷ lệ hàng hóa nông sản được ký hợp đồng tiêu thụ chưa cao; việc quản lý Nhà nước về công tác ký hợp đồng tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập; nhiều hợp đồng còn mang tính hình thức, thiếu cơ sở pháp lý, một số trường hợp bị phá bỏ hợp đồng nhưng việc giải quyết còn khó khăn.
Trong những năm tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của các vùng SX hàng hóa nông sản tập trung, tỉnh Bắc Giang chú trọng mở rộng thị trường, đặc biệt là liên kết với các DN trong việc tiêu thụ nông sản. Để đạt được mục tiêu trên, ngành sẽ tập trung thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chú trọng đổi mới phương thức tổ chức SX, tăng cường liên kết giữa DN, nhà khoa học và người dân trong SX, chế biến và tiêu thụ nông sản, gắn với tái cơ cấu sản xuất theo hướng SX hàng hóa tập trung, bảo đảm phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 3 - 4% năm.
Ngoài việc liên kết, Bắc Giang cũng chú trọng thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Quyết định số 459/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2014-2020 đã thể hiện rõ điều đó. Hiện nhiều DN ngoài tỉnh đã và đang xúc tiến các thủ tục đầu tư vào địa bàn và 11 nhà máy chế biến rau, quả ở các vùng trọng điểm về SX ngành hàng này như Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Hiệp Hòa… đã được xây dựng.