Lợi ích bền vững từ lớp IPM (08/12/2015)

IPM viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Integrated Pest Management”, có nghĩa là quản lý dịch tổng hợp hay điều khiển dịch hại bằng tổng hợp các biện pháp.


Bế giảng lớp IPM ở Hà Nội

Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) do Chi cục BVTV Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua khá thành công.

IPM viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Integrated Pest Management”, có nghĩa là quản lý dịch tổng hợp hay điều khiển dịch hại bằng tổng hợp các biện pháp, mục đích nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về thâm canh cây trồng và BVTV.

Tăng cường khả năng chủ động của nông dân trong quyết định ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Giảm chi phí SX nhất là chi phí BVTV, tăng hiệu quả kinh tế.

Đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Lập lại cân bằng sinh thái tự nhiên góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Để đạt được mục đích trên, IPM có 4 nguyên tắc: Trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân thành chuyên gia.

Theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, hoạt động chính của IPM là tổ chức cho nông dân tham gia các lớp huấn luyện và các thí nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về IPM.

Phương pháp truyền đạt là cầm tay chỉ việc; học tập trực tiếp, thực hành trên đồng ruộng và trao đổi để học, hay nông dân học tập từ thực tế và kinh nghiệm.

Từ đó, nông dân nâng cao kiến thức, kỹ năng SX rau an toàn (RAT); thực hiện các qui định về VietGAP và an toàn thực phẩm.

Hệ sinh thái là nội dung học tập quan trọng nhất trong các lớp huấn luyện nông dân, được tiến hành trong tất cả các buổi học tập từ đầu vụ đến cuối vụ, mọi nội dung học tập khác đều phục vụ cho nội dung hệ sinh thái.

Học viên được chiêm nghiệm thực tế thông qua điều tra hệ sinh thái đồng ruộng hàng tuần, được học những biện pháp xử lý như kỹ thuật canh tác, bón phân, phòng trừ sâu bệnh...

Sau khi kết thúc, các học viên sẽ có một bài kiểm tra cuối khóa, những người đạt đủ điểm mới được cấp giấy chứng nhận.

"Để đảm bảo chất lượng, mỗi lớp IPM Chi cục BVTV Hà Nội chỉ bố trí tối đa 30 học viên, thời gian học là 14 buổi, 1 buổi/tuần.

Để chương trình nhanh chóng “phủ sóng” đến các địa phương, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị đã “khăn gói” về tận các thôn, bản thực hiện “ba cùng” với bà con nông dân”, ông Nguyễn Duy Hồng chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội tham gia các lớp đào tạo, tấp huấn cho biết, điều thuận lợi nhất khi đơn vị tiến hành tổ chức lớp IPM là bà con nông dân rất phấn khởi, hào hứng tham gia học tập.

Thực tế cho thấy, trong quá trình học bà con tham gia trao đổi kinh nghiệm SX đầy nhiệt tình và sôi nổi. Các địa phương cũng ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho các lớp học được triển khai thuận lợi.

Từ năm 1996 đến nay, được sự giúp đỡ của FAO, ADDA và TP. Hà Nội, Chi cục BVTV đã tổ chức 7 khóa đào tạo giảng viên (TOT) về IPM rau cho 211 cán bộ kỹ thuật, nhân viên BVTV cấp xã, huấn luyện nông dân (FFS) 1.200 lớp về IPM rau cho 36.000 nông dân.

Trong đó, từ năm 2009 đến nay để thực hiện Đề án SX và tiêu thụ RAT, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tập trung triển khai, tổ chức 818 lớp huấn luyện nông dân về IPM cho gần 25.000 nông dân và 825 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong SX RAT cho 66.000 người.

Triển khai, thực hiện 325 thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV, như che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã, nhân rộng với diện tích gần 1.200 ha.

Trong đó, các mô hình phòng trừ sâu bệnh theo các biện pháp sinh học, canh tác, vật lý, cơ giới được tăng cường áp dụng như: bẫy Protein diệt ruồi đục quả họ bầu bí, ruồi đục lá họ đậu, cây ăn quả có múi, ổi…; bẫy chua ngọt diệt trưởng thành họ ngài đêm như sâu khoang trên rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự, họ đậu,...; sâu xanh da láng trên họ hành tỏi, họ đậu, măng tây,...; luân canh rau với ngâm nước ruộng 10 ngày diệt bọ nhảy trên rau họ hoa thập tự, bệnh héo xanh họ cà và các bệnh hại trong đất,...; bẫy Pheromone diệt trưởng thành sâu tơ, sâu xanh đục quả cà chua,... và các mô hình về rào chắn bọ nhảy, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư cây trồng...

Được biết những năm gần đây SX nông nghiệp của Hà Nội liên tục được mùa; diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả rau an toàn tăng nhanh có sự đóng góp quan trọng của IPM.

Hiệu quả lớn từ IPM là Hà Nội có 5.000 ha chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong SX rau. Thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân.

Đặc biệt tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm.

Theo Nguyên Huân (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 183
Tổng truy cập: 39349354