Nghệ nhân Đinh trà Thái Nguyên (03/02/2016)

Có một nghệ nhân trẻ, tinh tế bằng việc tạo ra tuyệt phẩm trà xanh Đinh ngọc trên mảnh đất chè nổi tiếng Tân Cương, được gọi là nghệ nhân Đinh trà. Đó là anh Trần Văn Thắng.


Đối với nghệ nhân Đinh trà Trần Văn Thắng, sản phẩm chè an toàn quyết định sự sống còn của thương hiệu chè Tân Cương Thái Nguyên.

Từ Thượng ty đến Đinh đinh

Lớn lên giữa cái nôi của thủ phủ trà Việt, trung tâm của vùng đệ nhất danh trà, Trần Văn Thắng (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, Tp. Thái Nguyên) lĩnh hội đầy đủ những ngón nghề của nghiệp trà.

Dẫu vậy, cơ duyên của lão nông Trần Văn Thắng với trà cũng không hề suôn sẻ. Những năm chiến tranh, rồi khó khăn vất vả của giai đoạn bao cấp khiến cho chè Thái dẫu vang danh nhưng vẫn không mang lại ấm no cho người làm chè. Thắng cũng như bao thế hệ bạn bè của anh phải trải qua nhiều công việc, tần tảo, lận đận với đủ nghề để mưu sinh.

Đôi mắt sáng của anh chợt đăm chiêu, anh kể, làm đủ nghề, đi đủ nơi nhưng cuối năm lại thấy cây chè mang đến cho gia đình một nguồn thu ổn định để lo Tết. Thấy tiếc cho sản phẩm chè Thái Nguyên, chè Tân Cương nức tiếng khắp nơi mà chưa được khai thác hết, những năm 90, Thắng quyết định quay về đầu tư, gắn bó với cây chè từ đó. Ban đầu, chỉ có hơn 1 mẫu chè, qua các năm tích tụ, đến nay, diện tích chè của anh đã đạt 13.000m2.

Minh chứng sâu sắc cho chất lượng Đinh đinh trà Thắng Hường là nhiều vị lãnh đạo cao cấp rất ưa thích, nhiều khách phương Tây và các chuyên gia trà của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng mua về nghiên cứu, thưởng thức hoặc làm quà.

Có thể nói giai đoạn đầu những năm 2000 là thời kỳ hưng thịnh của nghề làm chè. Mặc cho những “sáng kiến” ăn sổi như nạn chè vàng, hái cả cành, cọng để sao sấy; hay những “cải tiến” tiêu cực như trộn các loại bột nặng để tăng trọng lượng sản phẩm chè, Thắng vẫn quả quyết chọn cho riêng mình một cách làm. 

Trong khi, việc cải tạo, thay thế giống được thực hiện rầm rộ khắp nơi thì anh vẫn kiên gan giữ và phát triển giống chè Trung du lá nhỏ. Kẻ trách dại, người khuyên can, Thắng nhỏ nhẹ triết lý, lợi ích trước mắt không mang lại giá trị bền vững dài lâu.

Vậy là, qua suốt giai đoạn đó, sản phẩm chè móc câu mang tên Thắng Hường (Hường là tên vợ của anh) đã được thương lái khắp nơi đánh giá cao về sự ổn định chất lượng. Nhờ vậy mà giá bán chè của gia đình anh bao giờ cũng gấp đôi giá bán của bà con.

Hiện trà móc câu Thắng - Hường bán với giá 400 - 500 ngàn đồng/kg thì giá thị trường chỉ đạt 200 - 300 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, anh Thắng còn có loại chè Thượng ty bán với giá 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg, thậm chí loại đặc biệt Đinh đinh được bán với giá 3 - 4 triệu đồng/kg.

Chè Thượng ty được anh sáng tạo năm 2003, chè Đinh đinh ra đời năm 2007. Thắng cho biết, quan điểm phải làm chè sạch, chè an toàn cũng như phát triển chè trung du để gìn giữ danh tiếng chè là hoàn toàn đúng đắn khi sản phẩm của gia đình anh làm ra không đủ bán.

Tuy vậy, trong một lần tiếp một khách sành trà Hà Nội, người này mong muốn anh tiếp tục nâng cao chất lượng của sản phẩm chè. Đau đáu, trăn trở phải cải tiến khâu nào trong quy trình sản xuất? Và ý tưởng đã lóe lên, anh chạy một mạch lên nương chè thực hiện ngay cách thu hái vừa mới nghĩ ra.

Nếu như chè móc câu hái một tôm hai lá, thì nay chỉ hái phần búp nõn và 1 lá non liền kề. Cách thu hái mới đã cho sản phẩm chè mới với chất lượng trứ danh. Vị khách Hà Nội khái tính uống thử đã “kết” như điếu đổ. Chè mới được Trần Văn Thắng đặt tên là Thượng ty.

Tiếp tục phát huy ý tưởng, chè Đinh đinh chỉ chọn hái những búp nõn còn đang ngậm chặt, nhọn như chiếc đinh vào lúc trời không nắng gắt, hoặc mưa. Hái xong cho vào sọt cứng bằng tre đan, mang về nhà, trải ra nong nhẹ nhàng, tránh dập gãy. Để khoảng 1 đến 2 tiếng là cho vào sao suốt. Búp chè tươi cho vào tôn quay sao lần 1 diệt men, lần sao này, chè dẻo như bún, dỡ chè ra máy vò để tạo vân xoắn và làm dập chè vừa đủ.

Sau đó, lại cho vào tôn quay sao tiếp, lần này để sao khô. Ở lần sao này, những búp chè xoắn chặt, khô giòn mà không cháy đã thoang thoảng hương rồi. Lần sao thứ 3 là đánh mốc, tạo hương, lần này búp chè phải thơm nức mùi hương cốm.

Chè Đinh đinh ngay lập tức trở thành biểu tượng, đỉnh cao của chè Tân Cương Thái Nguyên. Những nghệ nhân trà khắp nơi đánh giá, thẩm Đinh ngọc trà mới thấy thần thái xuất chúng của trà Bạch hạc ô Long vang bóng một thời, còn cao siêu hơn nữa là sự kết tinh giữa sáng tạo nghệ thuật và tự nhiên.

Đánh giá những thành công nói trên, lão nông Trần Văn Thắng nhìn nhận với sự giản dị và đúc rút, để có 1kg chè Đinh đinh thì phải mất 20 người thu hái trong cả một buổi sáng. Mặt khác, chỉ nương chè trung du mới tạo ra sản phẩm chè Đinh đinh ngon nhất.

Sở dĩ, chè trung du rễ cọc, lá dày, đủ sức chống chọi với giá rét, khô hạn thì nõn chè mới có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Chè cành, chè lai ưa thâm canh thì nõn chè còn non chưa tích hợp đầy đủ hợp chất nên không thể cho chất lượng tốt nhất.

Nối VietGAP đến UTZ Certified

Nếu như có ai cho rằng cách làm chè, quan niệm giữ giống chè trung du của anh Trần Văn Thắng là cố hữu thì đã là khiếm khuyết. Kinh nghiệm làm chè dù được coi là nghệ nhân, chất lượng chè được đánh giá là số một nhưng anh vẫn không ngừng học hỏi, cầu tiến. Thông qua Dự án phát triển chè của tỉnh Thái Nguyên, anh đã vận động, tập hợp các hộ dân xây dựng tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP.

Anh đã thẳng thắn bộc lộ rằng, kinh nghiệm đến một lúc nào đó có thể lạc hậu, nếu kinh nghiệm được kết hợp nhuần nhuyễn với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thì cách thức sản xuất ngày càng hiệu quả và ổn định hơn.

Quả vậy, ngay sau khi hoàn thành chứng nhận VietGAP, anh lại bắt tay vào thực hiện cấp chứng nhận UTZ Certified. Anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để thay đổi hệ thống máy vò, lò sao sấy.

Anh Thắng cho biết, sản phẩm chè của gia đình anh cũng như chè Thái Nguyên nói chung chủ yếu là phục vụ thị trường nội tiêu. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP có giá trị nâng tầm thương hiệu giới hạn trong thị trường nói trên. Chứng nhận UTZ Certified là một chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm.

Ngay sau khi được chứng nhận, sản phẩm chè Thắng Hường như được làm giấy thông hành để xuất ngoại, được chắp cánh đến nhiều thị trường nước ngoài với giá bán cao hơn rất nhiều so với giá nội tiêu.

 

Bộ nguyên tắc sản xuất chè theo chứng nhận UTZ Certified đề cập đến những vấn đề như các tiêu chuẩn về lưu giữ hồ sơ, việc sử dụng một cách tối thiểu và có ghi chép các hoá chất bảo vệ thực vật, bảo hộ quyền lao động và tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đối với người lao động và gia đình của họ. Đó chính là mong muốn mà anh Thắng theo đuổi. Anh nói đơn giản, đó là cách gìn giữ chất lượng chè ổn định, bền vững không chỉ cho thế hệ của mình mà cho cả các đời con cháu sau này.  

Theo ĐỒNG VĂN THƯỞNG (nongnghiep.vn)
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA VIETGAP

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.634.1933 ext. 150

Email: vietgap@fsi.org.vn

Hotline: 0904.628.499

| |
Copyright © 2014 VietGap - All Right Reserved.
Đang online: 167
Tổng truy cập: 39349354